Tên thật anh là Nguyễn Vĩnh Bình, sinh năm 1951, tuổi Tân Mẹo, tại làng Tân Giản, Tuy Phước. Anh lên Bình Định từ bé, sống và sáng tác cho đến khi ra đi vào chiều 17.11.2013, giữa một Bình Định tang thương vì lũ lụt.
Dù đóng góp không nhỏ cho phong trào văn nghệ quần chúng An Nhơn và tỉnh nhà những năm tháng sôi động nhất, đóng góp cho lĩnh vực truyền thanh An Nhơn trở thành một đài mạnh trong tỉnh, nhưng ai hỏi chuyện thành tích, anh chỉ cười hiền lành rồi lảng sang chuyện khác. Anh thích hợp với góc yên tĩnh bên dòng sông Côn hùng vĩ, ly trà chén rượu nghĩa tình bầu bạn, những câu chuyện bảng lảng khói sương của một vùng đất "dấu xưa xe ngựa"... Anh say sưa nói về truyền thống văn hóa bản địa với những tên tuổi Yến Lan, Chế Lan Viên, La Hữu Vang, Phạm Hổ, Phạm Thế Mỹ..., say sưa nói về một mùi khoai quết, một vị tương đỗ mèo, một làn gió quê thổi cuộn những chiếc lá vông đồng khẽ khàng đâu đó trong ký ức những ngả đường vang bóng. Anh sôi nổi chân thành với "Hồ trường, hồ trường ta biết rót về đâu?" khi anh em đọc giữa đêm khuya, và anh em cứ hình dung anh như một trượng phu còn sót lại sau những thế kỷ bể dâu, trên sỏi đá của con đường mang mang thiên cổ!
Vĩnh Bình. |
Anh đau đáu với những vần thơ, và bạn bè cũng quặn thắt với những dòng tự bạch định mệnh:
Ta làm một kẻ lưu đày
Một mai về xứ lại bày cuộc chơi
Tóc râu riêng một góc đời
Nghêu ngao câu hát vọng lời tri âm
Thơ anh đôi khi như những giọt rượu từ gió mây rót xuống:
Ta về gom hết lá thu
Đắp thành nấm mộ ngồi ru cuộc tình
Ru người trong cõi lặng thinh
Nơi xa xăm ấy thấu tình này chăng...
Anh bơi lặn trong cõi mộng:
Theo người tìm lá diêu bông
Lá đâu chẳng thấy mà thân mệt nhừ
Tỉnh rồi mà vẫn ưu tư
Tiếc cho cái thuở sặc sừ u mê
Người thi sĩ ấy cảm thấu nỗi cô đơn giữa đất trời vần vũ, trong những linh cảm:
Đã mấy hôm rồi con chim sẻ
Không đến trước hiên nhà gọi bạn
Nắng sớm mai cũng qua mau
Lòng ta thấy trống vắng
Bay về đâu hỡi chim
Vội vàng chi hỡi nắng
Cho mùa xuân phôi pha
Cho chiều vàng trút lá
Ta một mình đong đếm những buồn vui
Khi trời đã sang đông
Nỗi linh cảm ấy là có thật, và anh tự nhủ:
Ta lắng lòng để không bật thành tiếng khóc
khi quanh ta tồn tại những yêu thương
Những năm gần đây, anh em hay tổ chức tụ tập, khi nơi xóm Lưới, lúc góc thành Hoàng Đế, hồi nọ dưới giàn bích thanh, hồi kia bên rặng tre ngà... để rồi nghe nhau nói, gửi tặng nhau những niềm vui nho nhỏ trong năm tháng dần phôi pha. "Vô đàn tràng nghêu ngao hát tình ca", vâng, anh đã buột miệng câu thơ vô thường ấy, giữa những tình cảm ngui ngút của nhóm bạn thủy chung.
Cái không khí ca khúc Mưa bóng mây mà nhạc sĩ La Hữu Vang đề tặng anh: “Đôi khi về nơi phố khuya đèn đêm hiu hắt ta thèm một vầng trăng sáng- Đôi khi nhìn mây trắng bay rừng im lá cây ta thèm một cánh chim chiều- Và mãi như là mưa bóng mây bâng khuâng giấc mộng nửa vời để thấy đêm còn luôn thao thức mong chờ tia nắng bình minh" vẫn ngút ngui trong hành trình bạn bè bên ngôi thành cũ rêu phong Bình Định.
Vắng anh, vắng hẳn một nét tài hoa bình dị của vùng đất tài hoa. An Nhơn ơi, thị xã còn đọng mãi hình bóng một con người, cho dù trăng rồi lại khuyết, đêm rồi lại tàn, làng rồi lại phố, bến rồi lại cầu, như những vần xoay của thời gian và không gian trong hiện thực của vùng đất và trong cảm hoài của thi nhân. Như Vĩnh Bình từng thao thiết:
Có ai về xứ cho ta gửi
Một cánh diều côi giữa phố người
Về với gió đồng thơm cỏ nội
Với nhành lan tím góc sân quen
Về với đường xưa chiều nắng nhạt
Có người thơ thẩn ngóng trông ai ?
Vĩnh biệt Vĩnh Bình, nhóm thân hữu cũ ngồi lại với nhau, chia sẻ rất nhiều. Nhạc sĩ Diệp Chí Huy, một người lớp đàn em Vĩnh Bình, hết sức quý mến trân trọng anh, từ Đà Nẵng về trong đêm, sáng ra còn đưa chúng tôi xem tin nhắn cuối cùng của anh Bình trước khi mất: "Nghe người đếm lại ca dao . Câu ca bềnh bồng chao nghiêng cánh võng. Ký ức tràn về. Ta nghe lời mẹ ru khi tuổi còn thơ ...Ví dầu cầu ván đóng đinh ...và bao câu nhân nghĩa . Ta nhớ câu ru đeo đẳng suốt cuộc đời. Hời hời ...Một mình dù chống dù chèo. Không ai tát nước vận nghèo một khi ...Duyên số cuộc đời đành vậy biết sao đây ." Và cách chia sẻ truyền thống nhất của chúng tôi, là rưới rượu đọc lại Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác, vị đường quan từng ngồi trong dinh thự giữa thành Bình Định đầu thế kỷ, giờ trở thành “hàng xóm” với lớp hậu sinh. Thì ra cái không khí u hoài bi thống vẫn chưa bao giờ cũ trong sương khói cổ thành: “Rót về Nam phương trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng- Nào ai tỉnh nào ai say- Chí ta ta bết lòng ta ta hay”.
Nỗi thao thiết của Vĩnh Bình cũng vậy, khôn nguôi trong tấm lòng ai tri kỷ!
Nguyễn Thanh Mừng
http://baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=13515