Phổ nhạc từ thơ thì đã đành, nhưng phổ ca khúc từ... một phóng sự dài hơn 1.800 chữ đăng trên báo thì đúng là chuyện quá lạ. Và mới đây, chuyện lạ này đã diễn ra tại một đêm nhạc giới thiệu tác giả - tác phẩm của nhạc sĩ Diệp Chí Huy tại Đà Nẵng. Cả khán phòng gần như không ai tin vào tai mình khi nhạc sĩ bật mí: Bài hát “Lumantang” được ông phóng tác từ... phóng sự “Lumantang - số phận những cô gái có con ngoài giá thú” đăng trên Báo Lao Động của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân...
Khúc hát nghĩa tình
Giữa tháng 11.2013, nhạc sĩ Diệp Chí Huy lần đầu tiên tổ chức giới thiệu tác giả - tác phẩm tại nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng. Đêm nhạc có tên “Tôi về đếm lại ca dao” này đã bất ngờ thu hút sự quan tâm của giới yêu thích âm nhạc của Đà Nẵng. Ngoài những ca khúc trữ tình phổ thơ hiện đại, Diệp Chí Huy còn vẽ nên những bức tranh đồng quê nền nã với những vạt cải vàng ven sông, xanh mướt những cánh đồng rợp cánh cò bay... bằng giai điệu Bolero. Những hình ảnh dịu êm, những khúc ru da diết đầy hình ảnh ấy giờ chỉ còn trong ký ức, khiến những đứa con xa xứ phải rơi nước mắt mỗi lần nghe như bài “Quê quán ơi”, “Khúc Vu Gia”... Hoặc những bài đầy dự cảm “Như cây đã khô”, “Chỉ xin đã có lần”. Nhưng điều lạ nhất đối với khán giả vẫn là ca khúc “Lumantang - tình yêu của mẹ”.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân - MC của đêm nhạc - như đã kể cả một truyện ngắn lãng mạn, đầy thương cảm khi dẫn ca khúc này. “Đây là một câu chuyện buồn, giàu tính nhân văn, kể về bi kịch của những bà mẹ đơn thân - những phụ nữ quá lứa lỡ thì trên các cung đường Tây Bắc, trên những nông trại chè... Họ đã “tự túc” sinh con ngoài giá thú, dành sẵn cho con một tương lai đau buồn...” - ông nói. “Lumantang/ Có người mẹ nào muốn thế/ Dành sẵn nỗi đau khi con chưa ra đời.../ Ngày xưa, người yêu ra đi... ra đi.../ Bỏ lại tuổi xuân rơi trên cánh cò/ Bỏ lại ước mơ bay xa cánh đồng/ Bỏ lại nhánh sông yêu thương vô vọng/ Bỏ lại khát khao, đam mê/ Lumantang có người mẹ nào muốn thế/ Nỗi đau đời con - tình yêu của mẹ”. Còn với người nghe, bài hát như một khúc ru êm đềm, buồn xót xa. Và điều bất ngờ hơn là hoàn cảnh ra đời của ca khúc này cũng hết sức lạ lẫm, khác biệt...
Đồng cảm cùng lumantang
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - cây phóng sự đầy bút lực của Báo Lao Động một thời - kể lại, khoảng tháng 10.1990, khi ông đi Tây Bắc, viết phóng sự về số phận của những bà mẹ đơn thân, cũng bàng hoàng xúc động trước những hoàn cảnh bi thương của các chị, giống như Diệp Chí Huy xúc động khi đọc bài báo của ông. Lúc ấy, “vừa đặt chân tới Sơn La, tôi vội tìm thầy học vài tiếng dân tộc Thái để có thể “ứng xử” trước các cô gái xinh đẹp, vì ở vùng này có đến 40% dân số là người dân tộc Thái..., bài học bắt đầu: Phụ nữ: Côn nhính. Đứa con trai: Lụ trai. Đứa con gái: Lụ nhính, chòng phùa. Em: Noong. Anh: Pi. Yêu: Hăc noong và... Lụmantang. Tôi ngạc nhiên hỏi “cô giáo”, một cán bộ của Hội Phụ nữ: “Lụmantang” là gì? Là con ngoài giá thú! Cô giáo tiếng Thái của tôi trả lời nghiêm chỉnh”. Ở vùng cao Tây Bắc nói chung và ở tỉnh Sơn La, Lai Châu nói riêng, thời điểm ấy có rất nhiều phụ nữ có con ngoài giá thú, có đơn vị nông trường trong số 100 chị lớn tuổi thì có đến 40 chị có con lumantang.
Bản thảo phóng sự Lumantang của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và ca khúc phổ nhạc của Diệp Chí Huy. Ảnh: Lê Hải |
Nhạc sĩ Diệp Chí Huy cho biết, ngày xưa ông rất thích đọc báo Lao Động, mà cũng có rất nhiều người yêu thích báo Lao Động, đặc biệt là phóng sự. “Vì thế, tôi có cơ duyên đọc bài Lumantang của anh Huỳnh Dũng Nhân. Tôi không phải là một lumantang, nhưng tôi bị mất cha khi mới 5 tuổi. Ngày xưa, trong các “cuộc chiến” tuổi thơ, dù tôi có thắng hoặc thua chúng bạn, thì bao giờ tôi cũng đều là người thất bại. Vì không có cha, nên dẫu thắng cũng bị người lớn bắt nạt, thua thì tôi thường chạy về núp dưới bàn thờ cha mà khóc, tủi thân lắm. Rồi hình ảnh người mẹ tảo tần nuôi con đơn độc hằn in trong tâm thức của tôi. Bởi vậy, tôi đã rơi nước mắt với những đứa bé lumantang trong tác phẩm của Huỳnh Dũng Nhân”. Ông bảo có người mẹ nào không thương con, có người mẹ nào muốn tương lai con mình sẽ đau khổ. Nhưng với những bà mẹ đơn thân, quá lứa lỡ thì này đã không còn lựa chọn. Họ vốn là những nữ thanh niên xung xong thời kháng chiến, đã tích cực tham gia phong trào “ba khoan” - khoan yêu, yêu rồi thì khoan lấy, lỡ lấy rồi thì khoan có con, để mở đường cho xe bộ đội vào giải phóng miền Nam. Thế rồi, tuổi xuân đi qua, nhan sắc không còn, hạnh phúc cuối cùng họ có thể hy vọng tìm được đó là những mối tình vụng trộm, để có được những đứa con lumantang. Lumantang - tình yêu của mẹ đã ra đời như thế.
“Âm nhạc tử tế”
Nhận xét về nhạc của Diệp Chí Huy, nhà thơ Đỗ Trung Quân cho rằng: “Những ca khúc của Diệp Chí Huy là một thứ âm nhạc tử tế đang còn nằm trong bóng tối, rất cần sự chia sẻ. Nhạc của Huy hay, tình cảm, rất khó tìm được những ca khúc như vậy trong thời buổi hiện nay. Nếu hướng đến lớp trẻ, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, thì những ca khúc của Huy làm rất tốt”. Nói về ca khúc Lumantang, nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ: “Ngày xưa, khi bài thơ “Quê hương” của tôi trở thành khúc hát, tôi cũng không hề hay biết đến nhạc sĩ Giáp Văn Thạch. Sự đồng điệu tâm hồn giữa người làm thơ, sáng tác nhạc là chuyện bình thường, nhưng cảm tác một phóng sự báo Lao Động với gần 2.000 chữ thì xưa nay tôi chỉ mới thấy có một... Diệp Chí Huy!”.
Diệp Chí Huy cũng là một nhạc sĩ lạ. Lạ vì anh hay “bén duyên” với các nhà báo. Cho đến bây giờ anh đã có ít nhất 5 ca khúc phổ thơ, cảm tác từ phóng sự hoặc lấy ý thơ của các nhà báo. Trong đó có ca khúc đượm buồm, da diết khi nhắc đến tâm tư của những người tha phương: “Quê quán ơi bao lần trở lại/ Trở lại bao lần cũng chỉ để mà đi/...Đời phiêu dạt là điều anh muốn/ Để bây giờ em mưa nắng vô thường” - phổ thơ “Mộng mị quanh đời” của nhà báo Hồ Sỹ Bình (Quảng Trị). Bài hát “Khúc Vu Gia” - bài thơ đầy hình ảnh nhọc nhằn của miền quê nghèo Đại Lộc, Quảng Nam của nhà báo Trần Trình Lãm (Đà Nẵng) cũng được Diệp Chí Huy phổ với những giai điệu như một lời ru. Ngoài ra còn có các ca khúc “Miền phôi pha”, lấy ý thơ từ bài thơ “Tự khúc giận hờn” của nhà báo Tiểu Yến (Đà Nẵng); ca khúc “Xin cho tôi bình yên”, phổ từ bài thơ “5 phút” của nhà báo Vũ Thanh Hoa (Vũng Tàu)... Điều lạ nữa là phần lớn những ca khúc sáng tác của anh hoàn toàn ngẫu nhiên, đồng cảm với các tác phẩm thơ, báo chí mà hoàn toàn chưa từng gặp các nhà báo trước đó. Có lẽ những ưu tư về thế thái nhân tình, những xúc cảm của nhà báo đã đồng điệu với tâm hồn của anh - một người từng trải, sống phiêu dạt qua nhiều miền đất lạ đã tạo nên sự hạnh ngộ này.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể: “Khi bài hát phát hành, khoảng năm 2006 Huy có gửi tặng cho tôi một đĩa nhạc cùng với một số điện thoại di động... thiếu một số cuối. Tôi nghe bài hát rất xúc động, vui mừng, cả một trời kỷ niệm như chợt ùa về. Thế nhưng không liên lạc được với tác giả. Cuối cùng, tôi đã nhắn tin vào thuê bao (8 số) mà Huy gửi, rồi lần lượt thêm 10 số từ 0 đến 9 vào... Thế là chúng tôi gặp nhau tại Sài Gòn, nhậu một bữa ra trò. Đến một bar càphê, Huy đã ôm ghita hát cho tôi nghe và kể về quãng đời ấu thơ, thiếu cha, luôn bị ức hiếp của anh như một lumantang của tôi. Bây giờ nhắc lại, tôi thấy còn vui. Tôi là người rất mộng mơ, nhưng thú thật là trước đó tôi chưa bao giờ mộng mơ đến một ngày, một trong những phóng sự của tôi đăng trên báo Lao Động lại được một nhạc sĩ phổ thành bài hát...”.
Mời bạn ghé thăm và khám phá văn hóa châu Phi tại : http://matnachauphi.com