Chiếm hết hai phần ba chương trình là những ca khúc phổ thơ của các nhà thơ. Nhà thơ Lê Diễn trong vai trò “em - xi” mấy lần cảm xúc lặng sau sân khấu. Bởi có điều gì đó cuộn trào trong cảm thức rưng rưng của những đứa con bươn bả bỏ quê hương đi làm ăn xa. Bất chợt một khúc ru trào nước mắt. “Quê quán ơi biết bao lần trở lại / Trở lại bao lần cũng chỉ để mà đi”.
Nhà báo Hồ Sĩ Bình tâm sự: “Bài thơ của tôi vốn viết dài, rất nhiều đoạn nhưng người nhạc sĩ đã tinh tế chọn được những câu hay nhất để phổ thành bài hát. Xin cảm ơn Diệp Chí Huy đã giúp tôi tìm thấy phiên bản ngọt lành từ giấc mơ muộn của mình”. Còn nhạc sĩ đã tiếp ứng và cảm tạ thân hữu bằng một bài hát khác mà chính ca từ cũng đã làm say lòng người, mang chủ đề chính của đêm nhạc: “Dù là giấc mơ sẽ buồn khi thức giấc / Rộn ràng lời hát bâng quơ ru tôi tình đầu…”.
2. Với hơn trăm ca khúc đã sáng tác và phổ biến, nói không quá, Diệp Chí Huy là một trong những gương mặt đáng kể nhất của âm nhạc Đà Nẵng thời gian gần đây. Sau lớp các nhạc sĩ Minh Đức, Nguyễn Huy Hùng, Trần Ái Nghĩa, Thái Nghĩa, Nguyễn Đình Thậm, Xuân Minh… một giai đoạn dài không tìm thấy tín hiệu nào mới.
Đó là những quãng lặng lắng sóng, thử thách người mong đợi. Trong 5 năm trở lại đây, thế hệ mới nổi lên ba nhân tố: Diệp Chí Huy, Nguyễn Đức và Trần Quế Sơn. Và Huy là người thuyết phục tôi nhiều nhất ở bản lĩnh, giai điệu đẹp, ca từ cô đặc, rút tỉa từ một đời sống giàu trải nghiệm với những bóng tối và trả giá riêng mang không ít. Phía khác, âm nhạc cho thấy cách thế Huy đối xử với đời sống. Gần như mỗi thay đổi, biến động trên bề mặt của nó đều in dấu vào tâm hồn và sáng tác của người nghệ sĩ.
Từ một phóng sự “Lumantang” , tiếng dân tộc, của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân viết về số phận ngôi làng của những người mẹ sinh nở một mình, những em bé không có cha trên miền núi, tình cờ đọc được Diệp Chí Huy đã cảm xúc để phổ thành ca khúc “Lumantang” được nhiều người yêu thích. “Đành rằng báo chí có tính thông tấn. Nhưng tận cùng và phía sau bài báo là sự cảnh tỉnh, là báo động nỗi đau…”. Bất ngờ hơn khi từ đây anh có sợi dây ký ức liên hệ về tuổi thơ mình. “Cha tôi mất sớm. Mẹ tôi một mình cặp nách nuôi mấy người con. Đứa nhỏ nhất còn khát sữa. Nỗi ám ảnh lớn nhất tuổi thơ là mỗi lần bị bạn bè bị đánh tôi thường chạy về nhà chui vào gầm bàn thờ cha mà khóc. Tôi muốn được cha chở che như mọi đứa trẻ khác…”.
Thì ra thôi thúc bài hát ra đời còn chính là nỗi đau đáu như vậy. Gần đây, anh phổ bài thơ “Xin cho tôi bình yên” của nhà thơ Vũ Thanh Hoa. “Cuộc sống thường nhật có phải như đang nóng lên vì thế giới có quá nhiều biến động? Liệu tâm hồn còn yên ổn không?”. Và những câu thơ anh đọc “Cho tôi bình yên năm phút/thả con thuyền giấy chơi vơi/trôi xuôi về nơi xanh thẳm/xa xưa thức giấc bồi hồi” tự cuốn vào sóng bờ âm nhạc.
Cũng thế, khi bài thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến “Đất nước thời gian lao” được giải thưởng của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, in trên báo Thanh Niên, Diệp Chí Huy đã bật khóc khi đọc nó. Một thời anh hùng và bi tráng của dân tộc. Còn biết bao số phận người, những cảnh đời…Anh đã thức mấy đêm liền để chọn lời thơ phổ thành ca khúc “Niệm khúc người lính trẻ”. Với lời ca đầy xúc cảm “Đêm đêm những người con ngỡ đã đi thật xa/Đang lặng lẽ trở về/Lẫn vào gió vào sương đêm…”. Người nghe như chia sẻ cùng anh những niềm sâu kín mà chỉ có thể bừng thức khi giai điệu vang lên tan vào đêm xanh biếc.
3. Không chỉ viết nhạc với những phát hiện thông minh, cảm xúc từ tính thông tấn đặc trưng của báo chí, mà Diệp Chí Huy còn thành công với mảng ca khúc viết về quê nhà và tình yêu quê hương. Bài hát Khúc Vu Gia anh phổ thơ của nhà thơ Trần Trình Lãm vào giữa tháng 6.2008 là một ví dụ.
Cảm hứng của bài hát nhân một chuyến “về nguồn” làm từ thiện cùng nhóm ACE Thiện Văn do nhà báo Đặng Ngọc Khoa sáng lập để giúp đỡ những mảnh đời gian khó. Khi có dịp đến làng Đại Cường, được đi trên dòng sông Vu Gia, lắng nghe gió bờ châu thổ, anh như cảm được đất đai linh thiêng, nhọc nhằn cũng như những phận người nông dân cả đời đã gửi vào mùa màng hạt giống.“Sông mùa cạn phơi trần triền cát/Những ruộng dâu gió hát lao xao/Thuyền ai cắm con sào trên bến vắng/Ta mơ say trong nắng bỡ nhạt nhòa…”.
Cũng như nhà thơ Trần Trình Lãm, nhạc sĩ Diệp Chí Huy tuy không phải sinh ra và lớn lên ở đây nhưng các anh tự thấy mình mắc nợ nhiều quê hương Quảng Nam Đà Nẵng “đất nặng nghĩa tình” này. Ca khúc viết xong đưa lên mạng là có hiệu ứng tức thời khi hàng loạt người yêu nhạc vào nghe với rất nhiều comment góp ý gửi về. Với Diệp Chí Huy, đó là niềm hạnh phúc để giữ được lửa, tình yêu âm nhạc và đi tới…
Nguyễn Hữu Hồng Minh