Đêm nhạc: Tác giả - tác phẩm Diệp Chí Huy - Nghêu ngao

 I have a dream and a song to sing… Tôi có 1 giấc mơ và 1 bài hát để...”nghêu ngao”…Bài hát I have a dream của ABBA đã theo cùng với Diệp Chí Huy suốt những năm tháng tuổi thơ và đã trở thành nguồn cảm hứng để Tác giả viết lên ca khúc Nghêu ngao của mình. Rồi đến một ngày chính ca khúc đó đã trở thành một sự thúc đẩy để Tác giả thực hiện 1 đêm nghêu ngao: nghêu ngao hát về cuộc đời của mình, về cảm xúc của mình.

Đêm NGHÊU NGAO hình thành từ đó và trình làng vào đêm mồng 4 Tết, 10/02/2008

Dù là giấc mơ sẽ buồn khi thức giấc

Rộn ràng lời hát bâng quơ ru tôi tình đầu…

Chương trình mở đầu lạ. Không có lời giới thiệu, không có những lời rào trước đón sau khiên cưỡng và sáo rỗng. Đèn tắt phụt, nến và hoa lung linh trên mỗi bàn và rồi nhạc trỗi lên bài hát đầu tiên “Hãy về”: Chiều buông trên sông Hàn bâng khuâng nỗi nhớ mong… Vẫn là Đỗ Quyên mạnh mẽ nhưng tha thiết với Hãy về như cách đây 3 năm nhưng giờ đã chín muồi hơn, tinh tế và ray rứt hơn khi hát: Bạch Đằng phố thênh thang, còn mỗi bước chân em anh ơi hãy về…hãy về với sông Hàn, hãy về với tình yêu của em!

MC của chương trình là một người bạn. Người khơi lời cho chương trình cũng là một người bạn. Đó cũng là điểm lạ: Một chương trình hoành tráng với một MC không chuyên nghiệp, và với một người khơi lời đứng trên sân khấu mà lại quá run để có thể thể đứng một mình. Dẫu có đôi lúc vụng về nhưng đó lại chính là một thông điệp không lời rằng đây không phải là một đêm của sự trình diễn phô trương, đây là một đêm để sẻ chia: tác giả sẻ chia tình cảm của mình qua những ca khúc và khán giả thông qua ca khúc có thể tìm thấy một sự đồng điệu nào đó và sẻ chia cùng với tác giả. Và vì thế, cho dẫu lời của người bạn có dẫn đến sự vụng về hay sơ hở vẫn là lời nói của tấm lòng đơn sơ nhất, ý nghĩa nhất mà mọi người đều có thể cảm nhận được.

Lãng đãng trong nỗi đau của một tình yêu chia ly, Ngọc Quân hát: Chỉ còn lại cơn mưa ngang qua trời mùa hạ, đã từ biệt nhau đâu sao em đi vội vã…Ngỡ chỉ là giọt nước, tháng ngày sẽ qua mau nhưng ai mà biết được tạnh rồi mới thấy đau. Gía mà tôi có thể ước những điều ngày xưa, những giận hờn thoáng chốc như là những cơn mưa…

Những giận hờn vu vơ ngày xưa ngỡ chỉ như là cơn mưa rào mùa hạ thoáng đến rồi tạnh ngay ai ngờ vẫn day dứt vẫn “đau” đến mãi tận bây giờ. Và vì thế mới có câu Gía mà tôi có thể… Gía mà có thể trở lại ngày xưa… Và cũng với chính ca khúc “Chỉ còn lại cơn mưa”, khán giả lại được trải nghiệm với một thể hiện khác khi Phương Ngọc trình bày cùng với piano. Trong khi với Ngọc Quân, “Chỉ còn lại cơn mưa” là sự tiếc nuối đầy nam tính-đơn giản và lặng lẽ, suy tư thì Phương Ngọc lại đem đến cho Khán giả một “Chỉ còn lại cơn mưa” với sự tiếc nuối nữ tính đầy tâm sự miên mang và day dứt lòng người.

Chưa bao giờ có ai làm điều đó trong một chương trình giới thiệu tác phẩm mới của một tác giả rất mới – hai sự thể nghiệm cho cùng một ca khúc ngay trong lần giới thiệu đầu tiên. Điều đó đã mang Khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và những tràng pháo tay tán dương liên tục.

Từ giai điệu chậm nhẹ đầy tình cảm của Chỉ còn lại cơn mưa chuyển sang ca khúc Lumantang, Tác giả Diệp Chí Huy đã đem đến một không gian mới của những mảnh đời nghiệt ngã với những giai điệu lúc đằm thắm như lời ru lúc gào thét như khi đang bị nỗi đau giằng xé. Ca khúc Lumantang có những ý nghĩa thật sự đặc biệt. Từ một phóng sự của Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mà Tác giả tình cờ đọc vội lúc đang chờ sân bay, phóng sự viết về số phận của những cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh tuổi xuân cho đất nước và nay trong thời bình họ đã mất đi người yêu, họ đã quá lứa lỡ thì không còn hy vọng có một tấm chồng nên tự nguyện sinh ra những đứa con không cha-là những Lumantang bé bỏng trong tương lai.

Và như nhà báo Đặng Ngọc Khoa có mặt trong chương trình đã phát biểu: đêm nay, lần thứ hai Nhà báo được nghe ca khúc này và cảm xúc của lần này vẫn nguyên vẹn rung động như khi được nghe chính Tác giả thể hiện lần đầu tiên. Đầu tiên, sự đặc biệt đến từ xuất xứ của bài hát, chưa từng ai lấy cảm hứng viết ca khúc từ một phóng sự xã hội như Tác giả Diệp Chí Huy. Và ấn tượng sâu sắc nữa đến từ ý nghĩa của chữ Lumantang mà NB Huỳnh Dũng Nhân đã sử dụng để chỉ về những đứa trẻ không cha nhưng được sinh ra trong sự tự nguyện và trong niềm mong mỏi của người mẹ. NB đã phải dùng chữ Lumantang của dân tộc Thái để chỉ về những đứa trẻ đặc biệt này bởi tiếng “Kinh” của chúng ta vẫn chưa có từ thể hiện.

Và với những gì mà Quang Phước đã trình bày, Khán giả có mặt trong đêm Nghêu ngao đã được biết về nỗi đau của những Lumantang bé nhỏ cũng như tình yêu và những giọt nước mắt của những người mẹ-những người đã “bỏ lại tuổi xuân rơi trên cánh cò, bỏ lại ước mơ bay xa cánh đồng, bỏ lại nhánh sông yêu thương vô vọng, bỏ lại khát khao đam mê” để cống hiến cho đất nước và để rồi bị lãng quên trong thời bình với những nỗi đau không mấy người có thể sẻ chia được.

Bài hát kết thúc trong sự dồn nén chực vỡ òa của cảm xúc, của sự giằng xé giữa câm nín và phơi bày. Và sau một khoảng lặng dài cảm xúc, Khán phòng đã đầy ắp những tiếng vỗ tay. Và rồi tôi đã nhìn thấy đôi mắt hoe hoe đỏ và nụ cười ngượng nghịu của Tác giả trong niềm hạnh phúc biết rằng mình đã được hiểu và được chia sẻ.

Và mãi đến ca khúc thứ 4 của chương trình: “Em đứng hát trước mùa xuân” Tác giả mới mon men thổ lộ tâm sự của mình rằng “em đứng hát trước mùa xuân cho tôi nhớ thời trai trẻ nhiều ước mơ khao khát, nào đã làm được gì ngoài câu hát với bạn bè, và hát để mình nghe”. Hay với ca khúc “Hoa chuỗi ngọc”, ấn tượng từ một bài thơ cùng tựa đề về loài hoa giống như những giọt nước mắt lăn trên má người con gái trong buổi chiều tiễn đưa, Tác giả đã đồng cảm và đưa vào cho “Hoa chuỗi ngọc” những giai điệu thật mượt mà và thật đẹp.

Mỗi người trong cuộc sống ít nhiều đều có một hay một vài kỷ niệm gắn với một bài hát nào đó hay là một tình yêu nào đó dành cho một người Nhạc sỹ. Tác giả Diệp Chí Huy cũng vậy và người nhạc sỹ Anh yêu mến từ bao lâu nay chính là Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Chính vì vậy khi nghe tin TCS ra đi, Anh cũng đã bàng hoàng như bao người yêu nhạc khác và rồi sau đó, Anh đã ngồi lại và viết ca khúc “Trịnh” với những tưởng niệm chân thành và những hình ảnh đặc trưng của nhạc Trịnh: “Nhớ về Anh chỉ còn bóng đêm, nghe khúc mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ… Em không nghĩ Anh đã đi xa rồi, chiếc lá bàng rơi nghiêng, viên gạch tàu trên sân, nắng vàng đi xao xác sớm thu tàn…”. Trong đêm lạnh đầu xuân, trong khán phòng đầy ắp người và ánh nến lung linh, giọng khàn blues của ca sỹ Thúy An đã khơi lên trong lòng của mỗi người một nỗi niềm nhung nhớ, nhẹ nhưng mà sâu.

Đóa hoa dại nở bên đường vắng, bài hát mọc từ con tim anh. Chẳng có gì...chẳng có gì ngoài con tim anh... Những bài hát của Tác giả họ Diệp được chính Anh ví von như là những đóa hoa dại lặng lẽ bên đường vắng, có người sẽ cho là đẹp có người lại chỉ xem đó là những đóa hoa dại tầm thường. Và rồi Anh “Chẳng có gì” cả ngoài trái tim đơn sơ của mình.

“Nỗi nhớ” lại là một sắc thái tình cảm khác, dịu dàng và sâu lắng với sự trình bày của Ngọc Quân. Nỗi nhớ như sợi dây đàn căng hai đầu phím, nỗi nhớ như làn mây chiều giăng hai bờ xa, nỗi nhớ như con sóng vỗ trên sông chiều mưa, nỗi nhớ ôi nỗi nhớ biết làm sao vơi!!! Có một buổi chiều trên phố Anh chợt bắt gặp mình trong nỗi nhớ mơ hồ xa xưa và kỷ niệm chợt ùa về. Ca khúc “Nỗi nhớ” luôn là ca khúc được các bạn bè văn nghệ sỹ của Anh yêu thích bởi giai điệu đầy ngẫu hứng và những ca từ rất thơ.

Đỗ Quyên lại trở lại với Khán giả bằng ca khúc “Trả lại tình yêu”. Bài hát rằng: Tình cờ anh đến để cho em trọn đời day dứt, trái tim em thương nhớ anh đến bất ngờ... Tại sao lại là thương nhớ anh đến bất ngờ? Tại sao lại là bất ngờ? Đó bởi vì khi chia tay ai cũng nghĩ nỗi đau như là cơn mưa rồi sẽ tạnh. Nhưng rồi thời gian trôi qua, khi bất chợt nhớ lại kỷ niệm cũ, ta lại “bất ngờ” với chính sự nhớ thương dai dẳng không dứt được của chính mình.

9 ca khúc đã được trình bày một cách tự nhiên qua những lời dẫn mộc mạc của Anh Lê Diễn-nhà thơ và là bạn của Tác giả Diệp Chí Huy. Và ca khúc thứ 10-ca khúc cuối cùng của chương trình cũng chính là chủ đề của đêm nhạc-mang tên “Nghêu Ngao”. Có một Tác giả hát không hay nhưng lúc thì say sưa bên cây đàn guitar lúc lại thỏ thẻ những giọt trong trẻo bên cây đàn dương cầm. Đêm nay Anh nghêu ngao hát: Thơm hương tóc đêm lụa là vàng nắng tung tăng môi xinh ngọt ngào, Em đi tình cũ hư hao chợt tối vây quanh chân ai ngậm ngùi. Ngày chờ gió lên đợi buồm xanh nắng tắt, mượt mà lời nói yêu thương cây thôi bạc màu.

Và cho dù khi thức dậy thì giấc mơ sẽ tan đi nhưng ta chẳng thể thôi mơ về những giấc mộng lành. Tác giả Diệp Chí Huy đã mơ một giấc mơ như thế về Nghêu ngao-về một đêm để chia sẻ những cảm xúc của mình. Chương trình đã khép lại trong ánh nến và hoa, trong niềm cảm xúc còn đọng lại và cả trong sự bất ngờ, lưu luyến của những người tham dự.

Dù là giấc mơ sẽ buồn khi thức giấc, rộn ràng lời hát bâng quơ...

Theo Q&G Events

Back To Top