Bài viết mới nhất

Phác thảo về chân dung một ca khúc

Bài viết của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn năm 1985 .

Phác thảo vê chân dung một ca khúc (1985)

Image result for trịnh công sơn

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

Trải qua nhiều thế kỷ , ca khúc đã tự khẳn định sự có mặt của mình như một thể loại độc lập , có vóc dáng riêng , có nhiệm vụ riêng và tiếng nói của nó không thể nhầm lãn với tiếng nói một ngệ thuật nào khác .

Có nhiều người hiểu lầm và cho đến nay sự hiểu lầm ấy vẫn chưa xóa sạch trong suy nghĩ của một số người là ca khúc chỉ là một giai đoạn quá độ của những thể loại âm nhạc lớn hơn hoăc nói theo ngôn ngữ hàn lâm là những thể loại âm nhạc bác học ,

Hình như chưa có một cuốn sách nào đủ can đảm viết về địa vị của ca khúc . Nhưng rất may mắn , đời sống đã hồn nhiên dành một vị trí đặc biệt cho nó . Cho đến nay, không có một xứ sở nào trên  mặt đất này có mặt con người mà không có bài ca và tiếng hát .

Ca khúc đã đi qua nhiều thời kỳ . Từ những hình thức và nội dung thô sơ nhất , ca khúc đã thay hình đổi dạng để trở thành tinh tế hơn. Và cũng từ đó ca khúc đã cùng song hành với những loại nghệ thuật khác mở rộng tiêng nói của mình , có khả năng chạm đến mọi bờ bến của đời sống con người , từ những điều cụ thể nhất đến cả những vấn đề thuộc phạm vi siêu hình .

Ca khúc như chúng ta đã biết là một cuộc hôn phối đẹp đẽ giữa âm nhạc và thi ca – lý do tồn tại của nó không có gì khác hơn ngoài vẻ đẹp của sự hòa hợp ấy .

Nhờ có lời ca, ca khúc không cần phải dựa vào những ước lệ giả tạo nào khác mới có thê hiểu được . Nó có thể được xem như một cách phát biểu hoặc một cách thể hiện thứ hai rất trực tiếp sau tiếng nói , những suy nghĩ của con người dưới hình thức nghệ thuật . Và do đó , mặc nhiên người ta không thể dung nó để nói bậy hay nói những điều vô nghĩa .

Từ lúc đi học tôi có một ước mơ là làm thế nào trong một lúc có thể nói được với nhiều người về những suy nghĩ của mình đối với con người và cuộc sống . Chính ca khúc làm được công việc này . Và tôi đã chọn ca khúc như một phương tiện để phát biểu , để thiết lập mối lien quan thân ái gữa con người và con người . Cho đến nay tôi chưa hề có ý nghĩ  xem nghệ thuật trong đó có ca khúc như một cái nghề mặc dù nghệ thuật có thể nuôi sống chúng ta . Chúng ta có nói đến khía cạnh chuyên nghiệp và nghiệp dư nhưng theo tôi đó chỉ là vấn đề kinh nghiệm và kỹ thuật của một người thợ . Theo một định nghĩa đã lâu đời người nghệ sỹ chính là người thợ.

Trong lĩnh vực viết ca khúc vì có lời ca nên nó có một mối liên hệ hết sức mật thiết với văn chương . Văn chương như chúng ta đã biết , đã hoàn thành những sứ mệnh hết sức vẻ vang của chữ nghĩa .- Tôi ước mơ ca khúc cũng làm được phần nào cái nhiệm vụ đó mặc dù nó chỉ là một bài thơ nhỏ được hát lên .- Đã có không it những bài thơ ngắn chỉ có bốn câu ma có thể thu tóm được cả một thiên nhiên rộng lớn   hoặc nói được số phận một con người .

Trong thời gian 10 năm số ca khúc viết ra trong thành phố chúng ta hết sức là lớn . Đó là một niềm vui , nhưng hình như nhu cầu của quần chúng vẫn chưa đủ thỏa mãn . Nhìn lại một cách bao quát chúng ta sẽ nhận ra ngay về những đề tài mà chúng ta đã viết . Ca khúc đã nói đến cánh đồng nhiều tấn, nói về điện , về rau, về heo gà , về cửa hàng ăn uống , về biển, về sông . Nói chung là đã đề cập đến tất cả mọi cái gì đang có mặt trong cuộc sống này. Chúng ta cũng đã viết rất nhiều về người công nhân, người lính, nhưng đó là người công nhân trong xí nghiệp và người lính ở ngoài biên giới . Những con người ấy ngoài nhiệm vụ ra vẫn có một đời sống bình thường , đời sống của một con người đơn giản nhất với tất cả niềm vui và nỗi buồn của họ. Cái con người thường ngày với những hạnh phúc và bất hạnh của nó. Chúng ta hoặc vô tình hoặc cố tình chưa đề cập đến . Tôi nghĩ rằng muốn có một nền nghệ thuật mang tính chất nhân đạo thì nghệ  thuật ấy phải nói đến con người , phải đứng về phía con người. Con người với tiếng cười, tiếng khóc bình thường , với tình yêu và cả sự đánh mất tình yêu.

Đã 10 năm rồi, đất nước này đã vĩnh viễn do chúng ta làm chủ, nhưng tôi có cảm giác là chúng ta vẫn còn rất dè dặt khi nói đến tình yêu, nói đến sự phụ bạc, nói đến số phận của con người. Đó là những vấn đề muôn thuở của bất cứ dân tộc nào ở mọi xứ sở trên mặt đất này. Nếu không thoát ra khỏi mặc cảm này , tôi ngại rằng chúng ta sẽ đưa nền văn nghệ của chúng ta đi vào một thứ chủ nghĩa chung chung . Và làm thế nào để có được những tiếng nói sâu sắc , đậm nét nếu chúng ta không chạm đến tận cùng của tiếng cười , tiếng khóc của sự sống và của cả cái chết của con người.

Các nhà lãnh đạo của chúng ta luôn luôn yêu cầu một nền văn nghệ mang đúng tầm vóc của thời đại.Muốn được như thế tôi nghĩ rằng không có cách nào khác hơn là chúng ta phải nói đúng cái nỗi khổ đau mà dân tộc ta đã gánh nặng trong suốt những thời kỳ chiến tranh giữ nước và dĩ nhiên không chỉ có đau khổ mà còn có cả tình yêu , có sự mất mát và còn có chủ nghĩa anh hung nữa .

Nói chung tôi ước mơ trong ca khúc ngày mai của chúng ta có chân dung thật đầy đủ của một đời người , một con người bình thường mà lúc nào ta cũng có thể gặp gỡ được.  

 

Back To Top