Bài viết mới nhất

Nhạc sỹ La Hữu Vang và tiếng gọi Tổ Quốc

Bài viết mới đăng trên báo xuân Giáp Ngọ 2014 của Lao Động - Miền Trung và Tây Nguyên .

                                                                                                                                 DIỆP CHÍ HUY

           Nhà mẹ tôi là một quán café nằm ngay giữa thị trấn , khi tôi còn nhỏ vào mùa hè quán thường hay đông đảo và tấp nập hơn . Các anh chị học sinh , sinh viên nghỉ hè từ Sài Gòn , Đà Lạt , Huế trở về quê nhà , họ mang đến cái quán café này nhiều thứ đối với tôi hết sức lạ lẫm từ  mái tóc dài bềnh bồng của các anh trai đến bộ quần áo hippy , những cuốn sách dày cộp trên tay về văn chương ,  triết học và  âm nhạc thật là nhiều màu sắc và không gian ,thế nhưng khi còn thơ bé ấy tôi vẫn thích và thuộc nằm lòng một bài hát  nó hoàn toàn khác lạ với những dòng nhạc kia  : “ Ơi Tổ quôc ta đã nghe “ . Và cho đến khi lớn lên tôi mới biết tác giả ca khúc đó là La Hữu Vang  - một ông thầy giáo  gầy gò , khẳng khiu , hiền lành  sống ngay bên cạnh trong cái thị trấn nhỏ bé và yên bình này  .

          La Hữu Vang tên thật là Trần ĐÌnh Giác , sinh năm 1936 tại thôn Tùng Giản , xã Phước Hòa  ,huyện  Tuy Phước , tỉnh Bình Định  . Dân địa phương còn còn gọi đây là Gò Bồi . Cũng là quê của nhà thơ Xuân Diệu . Cảnh vật ở đây khá nên thơ  với con sông uốn mình  quanh co ngay mặt  nhà trước khi đỗ  ra cửa biển , đứng ở triền sông nơi đây có thể nhìn thấy cồn cát Nhơn Hội  , màu trắng của cát  xa xa như một ngọn núi tuyết sừng sững , có lẽ những điều ấy đã làm nên chất thơ trong những người sáng tác sinh ra từ nơi này chăng  . Nhiều  bài hát của ông dù nhịp điệu hành khúc  hào hùng đi nữa  vẫn chất chứa chất trữ tình trong từng giai điệu .

                 “ Đất nước ta vẫn còn nghèo
                  nhân dân ta còn khổ đau
                 trong áp bức , trong xích xiềng
                 trong khói lửa ngun ngút cháy …”

                                                         ( Hát cho quê hương )

                 “ Những con đường quê ta đó
                 Những con  đường thắm dòng máu đỏ
                 Cho nương đồng xanh cây lá
                Cho đất mẹ tươi màu hoa thơm “

                                                 ( Những con đường quê ta đó )

              Người anh đầu tôi cũng biết chơi guitar nên trong nhà có cây đàn , ban đầu  tôi tự mò mẫm đánh lấy những giai điệu mình ưa thích . Mẹ thấy tôi yêu thích  nên mới nhờ anh Vình Bình và người em của anh là anh Vĩnh Minh chỉ thêm cho tôi về nhạc lý . Tôi còn nhớ hình ảnh anh Vĩnh Bình lấy cuộn băng keo vải màu trắng  dán lên cây guitar và ghi từng nốt nhạc lên đó để tôi học cho dễ nhớ , anh Vĩnh Minh thì đánh những bài guitar cổ điển gieo trong tôi thêm niềm yêu thích đó . Hai anh lại là những người học trò thân thiết của nhạc sĩ La Hữu Vang . Nên lần đầu tiên khi hoàn thành  CD là album đầu tay “ Chỉ còn lại cơn mưa “ tôi tặng hai anh nghe thử ,  tôi được hai anh  giới thiệu với ông . Những điều đó qua thời gian giờ nhìn lại thấy còn nhiều cái còn non nớt vụng dại lắm  nhưng nghe xong ông  đã có những lời khen ngợi và động viên giúp cho tôi có thêm  được niềm vui và hứng khởi  để tiếp bước trên con đường nghệ thuật âm nhạc . Trong những cuộc gặp và mấy bận được lãng du cùng ông tôi lại phát hiện một vài điều thú vị về mối giao tình giữa ông và cha tôi .

              Ông   kể  : Một lần cha tôi đi Sài Gòn về cầm bản nhạc của ông được một nhà xuất bản trong đó vừa in , ông nói cha tôi đưa cho ông  và mừng vui như là đó là …bản nhạc của cha tôi được xuất bản . Hai người thường hẹn nhau ở chiếc cầu trên đường xuống Gò Bồi vào buổi chiều , cha tôi kéo vỹ cầm còn ông đệm guitar hòa tấu những bản nhạc mà hai người ưa thích . Hình ảnh  cha cùng chiếc vỹ cầm trong mỗi hoàng hôn đọng lại nơi ông một xúc cảm sau này ông viết thành một ca khúc , nhiều người không biết cứ tưởng đây là một bản tình ca ông viết cho một người thiếu nữ nào đó .

                Mẹ tôi kể lại ,cha mẹ tôi quen nhau ở Đà Lạt  và lấy nhau ở Sài Gòn , anh đầu tôi sinh ở Sài Gòn đến khi sắp sinh người chị kế tôi thì ba mẹ tôi đưa nhau về quê sinh sống   . Cha tôi  chơi âm nhạc cổ điển phương tây với vỹ cầm  , Rock and Roll  với guitar điện  và chơi được luôn cả 6 câu vọng cổ bằng cách nghe qua một cái đĩa nhựa trên máy pick up  . Về chơi nhạc thì cha tôi nghiêm khắc nếu không nói là khó tính , khi từ Sài Gòn về sống ở đây bạn âm nhạc ông mà bà biết  thân thiết và gần gũi nhất là ông La Hữu Vang .

              Có dịp  đứng ở một pháo đài ở  Ghana , một trong những   nơi ngày xưa người da đen bị giam cầm để sau đó bị bán và  đưa xuống tàu  đến vùng đất hoàn toàn xa lạ  sống một đời nô lệ ,  tôi chợt nhận ra  cùng cực của những đớn đau và thống khổ đã sinh ra  thứ âm nhạc tuyệt vời của  những con người  tuyệt vọng này  . Phải chăng âm nhạc không phải thuần túy giải trí hay tụng ca  mà  nó góp phần xoa dịu và vơi đi phần nào những đớn đau và buồn bã của những kiếp người khốn khó .

            La Hữu Vang vào  những năm tháng quê hương chìm trong khói lửa  , hàng đêm thắp ngọn đèn dầu hắt hiu vẫn thức  chỉ để viết hàng loạt ca khúc cho tổ quốc , cho quê hương , cho những vết thương  chiến tranh  tàn phá  và cho những khát vọng cháy bỏng về một ngày hòa bình .Không cần đứng tên tác giả , không quan tâm đến danh phận và cũng không mong nhận về cơm áo lo cho  vợ và 6 người con đang còn nheo nhóc giữa  thời loạn lạc  . Vợ ông như bao người phụ nữ thời đó , tần tảo , yêu thương và hết mực tôn trọng chồng , không bao giờ can thiệp vô những dự định hay suy nghĩ của chồng . Bà đã chỉ can thiệp bằng những giọt nước mắt  để ông đã dẹp bỏ cái ” tang bồng hồ thỉ “ khi định bỏ nhà “ nhảy núi “  đi với những người anh em cùng chí hướng  để tiếp tục ở lại cái thị trấn nhỏ bé , tiếp tục lặng lẽ  viết tiếp những ca khúc làm  lay động trái tim tuổi trẻ về quê hương ,  tổ quốc  .

                  “ Tổ quốc ơi ta yêu người mãi mãi “ ( Tình đất đỏ miền đông )  của nhạc sỹ -Trần Long Ẩn   một người em , một người theo học ông từ những buổi đầu chập chững vào con đường âm nhạc   và nhiều ca khúc  hay  nữa  về sau này có lẽ là  sự ảnh hưởng và kết nối kéo dài từ bắt đầu bằng một tiếng gọi    “ Ơi tổ quốc ta đã nghe “ của La Hữu Vang ngày nào .

 

Mời bạn ghé thăm và khám phá văn hóa châu Phi tại  : http://matnachauphi.com

Back To Top