Nhạc sĩ, ca sĩ Diệp Chí Huy: Nghêu ngao đưa gió qua sông
08:01 09/09/2017Nhìn bề ngoài, thấy nickname "Cọp Phi Châu" trên Facebook mà chưa bắt chuyện, người ta nghĩ gã này chắc dữ dằn, hầm hố lắm. Lúc thì đầu cạo trọc lóc, lúc tóc xoăn xuề xòa vàng chóe, tướng tá dềnh dàng, áo quần bụi phủi. Nhưng uống với nhau một ly cà phê rồi thì mới phát hiện gã có cặp mắt hiền khô, tiếng cười hồn nhiên trẻ nít. Mười ngón tay tài hoa và giọng hát bản năng của gã ươm lên bao nhạc phẩm tỉ tê, mộc mạc phận người mà sâu thẳm tiếng thở dài nỗi buồn nhân thế...
Gã có một giọng hát thật đẹp. Ấm, dịu dàng nam tính pha lẫn man dại, si mê, khắc khoải. Cách luyến láy, nhả chữ, ngắt câu chắc mỗi gã làm được để người nghe sởn gai ốc trong từng nốt nhạc do chính gã vắt ra từ tim, từ óc: "Hoa cải vàng đã lìa bỏ triền sông/ Như cái tên đã lìa bỏ mặt người/ Con nước ròng đã lìa bỏ dòng sông/ Chảy ngang qua xóm nhỏ nhà em/ Và bầu trời đã lìa bỏ những vì sao/ Anh nông phu đã lìa bỏ đồng làng/ Chiếc yếm đào đã lìa bỏ hàng cau/ Lời hát ru đã lìa bỏ môi người/ Rồi một ngày tất cả sẽ dần phai/ Như bóng ai băng qua cánh đồng/ Như bến sông không còn con đò/ Là một ngày một ngày ngơ ngác/ Rồi một ngày tất cả sẽ dần qua/ Như mũi tên bay xa cánh cung/ Như nhớ nhung thôi còn mong chờ/ Là một ngày, ngày gió qua sông".
Một ngày đi trên sông, gã thấy gió bên bờ này hiền hòa mà qua bờ kia lại dữ dội, thổi bạt mọi thứ. Cái tứ về sự lìa xa, đổi thay, về ngày gió qua sông nảy nở. Gã đưa gió đi bằng nghêu ngao câu hát, để nghe con gió bay qua sông đầy mãnh liệt, cuốn phăng mọi bụi tung, âu lo giữa đời. Đời người sấp ngửa. Cơn gió đời trai của gã đã thổi hoài nửa thế kỷ, nó có còn quay về không, hay ra đi mãi mãi để phôi pha mặt người?
Ngoài "Ngày gió qua sông", Diệp Chí Huy còn có nhiều ca khúc tiêu biểu khác: "Như cây đã khô", "Tôi về đếm lại ca dao", "Miền phôi pha", "Chỉ xin đã có lần", "Nghêu ngao"… Các ca khúc của gã có giai điệu hay, lời ca đẹp và mượt mà như một bài thơ mặc dù trông nó giản dị như lời ăn tiếng nói thường nhật. Đó là tài hoa trời ban cho gã. Bài thơ dệt nên bằng nhạc ấy thường hiện hữu cánh đồng, yếm đào, nón lá, hoa cải vàng triền đê, cánh cò, ao sen… Phải chăng nỗi lòng người phố thị không nguôi hình ảnh thân thương quê nhà?
Nhạc sĩ, ca sĩ Diệp Chí Huy. |
Một lần, khi nghe Diệp Chí Huy hát mộc guitar, một nhà thơ nổi tiếng thắc mắc: "Tại sao một thứ âm nhạc tử tế như thế này vẫn còn nằm trong bóng tối?". Và đó là niềm động viên để gã tổ chức liveshow "Tôi về đếm lại ca dao" diễn ra tại Đà Nẵng năm 2013. Nhạc Diệp Chí Huy khá kén tai nghe.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng từng cho rằng bài hát của Diệp Chí Huy không còn là lời nhạc đơn thuần nữa mà là bài thơ mang gam màu biểu tượng của họa sĩ Claude Monet, Eduard Manet Paul Gaugain và cái chất lãng mạn bi thiết của thơ Frangois Rene de Chateaubriand. Nó bí ẩn và phức tạp như con người gã. Nhưng ai đã yêu nhạc gã rồi thì khó lòng dứt ra khỏi câu hát da diết đầy ray rứt mang vẻ ngoài giản dị ấy.
Diệp Chí Huy cũng không để tâm lắm cho việc đầu tư CD. Tính nghệ sĩ của gã không ưa trói buộc đủ thứ rắc rối. Gã thích lặng lẽ ngẫu hứng đăng những bản nhạc lên mạng rồi cùng bạn bè thân hữu, người yêu nhạc say chén tự tình. Lời thắc mắc của đàn anh ngày nào đã là liều doping cho gã không mỏi mệt trên con đường độc đạo.
Diệp Chí Huy thích ôm đàn nghêu ngao hát khắp mọi nơi, từ sân khấu, phòng trà đến những cuộc "ca nhạc nhậu"; từ dải đất miền Trung nắng gió đến phố thị ồn ã người xe; từ con đường cát trắng quê nhà đến hoang mạc Phi Châu xa lạ… .
"Nghêu ngao nghĩa là hát đầy ngẫu hứng, bản năng mà không hề toan tính. Lúc ấy âm nhạc mới thực sự là âm nhạc đúng nghĩa". Đó là tâm niệm của gã. Hát mộc, chẳng cần nhiều dụng cụ công nghệ hỗ trợ, gã muốn nghe hơi thở, nhịp tim mình rộn ràng với hơi thở, nhịp tim người vây quanh nghe gã hát. Tất cả chạm vào nhau, thô mộc, không lớp phấn son, không thiết bị điện tử che lấp yếu kém. Có bao nhiêu, gã dâng trọn hết cho người.
Ngoài tình yêu, Diệp Chí Huy viết về mọi thứ xung quanh cuộc sống đời thường. Nó là nỗi trăn trở, đau đáu của người nghệ sĩ trước "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Một ánh mắt bơ vơ lạc loài của cô bé Việt Nam bị bắt ở xứ người; những công trình tượng đài nghìn tỷ phủ bóng trên bao mái lá dột nát của mẹ già, em thơ; đời sống phố thị đông người ngột ngạt; ô nhiễm môi trường... khiến gã quặn thắt mà viết nên thành: "Lạc loài", "Thêm một lần cúi mặt", "Và tôi thấy là" , "Kiếp nạn", "Chiếc áo gấm" , "Những bình thường"...
Hãy nghe Diệp Chí Huy trút nỗi "Nhức nhối": "Nhức nhối ngày ngày/ Nhức nhối mặt người/ Khi bước ra ngoài đường/ Phải lìa xa con phố vui/ Đôi khi anh muốn đi/ Đi thật xa/ Rời xa khung trời nhỏ nhoi/ Hoặc làm con thú hoang lang thang trong rừng sâu/ (…) Đôi khi anh muốn bay như loài chim/ Không nằm yên, tung trời bão tố/ Hoặc làm con cá bơi thong dong ngày biến động/ Đi thôi em về miền hoang dại/ Đi thôi em về làm dã thú/ Đi thôi em về nơi hoa cỏ / Đi nơi đâu đừng có con người".
Diệp Chí Huy đọc báo, nghe ngóng nhiều nên với tư cách một công dân, một người dân sống ở đất nước này, gã không thể thờ ơ thế cuộc. Mọi biến động, vấn nạn xã hội, một bài báo, đều được gã viết nên thành nhạc. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng vô cùng ngạc nhiên khi phóng sự "Lụmantang-Tình yêu của mẹ" viết về những cô gái có con ngoài giá thú ở Sơn La những năm 1990 được Diệp Chí Huy lấy cảm hứng sáng tác thành nhạc phẩm cùng tên.
Nhận bài hát gã tặng, Huỳnh Dũng Nhân rất bất ngờ vì "xưa nay người ta phổ nhạc các bài thơ chứ ít ai phổ nhạc phóng sự". Có người bảo dòng âm nhạc này của Diệp Chí Huy là âm nhạc đương đại. Gã không dám nhận, bởi với gã, khái niệm "âm nhạc đương đại" nghe to tát quá. Gã chỉ dám gọi nó là ca khúc xã hội.
Diệp Chí Huy đa tài. Nghe danh nghệ sĩ, người ta chẳng ngờ gã từng học Đại học Thủy sản Nha Trang - cái nghề chẳng chút liên quan đến âm nhạc. Rồi gã kinh doanh, buôn bán tá lả ở châu Phi. Tay giang hồ nghệ sĩ ấy vốn yêu nghệ thuật chắt ra từ sự thô mộc nên hai thứ gã khoái nhất ở lục địa đen chính là trống djembe và mặt nạ châu Phi.
Diệp Chí Huy đam mê loại trống được chơi bằng tay này hồi năm 2004. Đặc biệt khi ca khúc "I'm your" của Jason Mraz được nhiều người trên thế giới yêu thích, phiên bản hát với guitar mộc và djembe năm 2007 đã cuốn hút sự chú ý của những người yêu nhạc với djembe. Trống djembe D.FOLA là loại trống được làm thủ công từ một thân cây gỗ cắt ra. Người nghệ nhân đục đẽo khôn khéo để khoét rỗng thân trống và chạm khắc hoa văn đặc thù văn hóa châu Phi. Mặt trống được làm bằng da của loài sơn dương sống trên núi.
Djembe D.Fola có khả năng tạo ra âm bass tuyệt vời và vô cùng đa dạng nhịp điệu nên nó "hợp cạ" với mọi thể loại: Từ nhạc dân gian Việt Nam, nhạc pop cho đến bolero, flameco... Và chỉ cần nắm vài kỹ thuật cơ bản là ai cũng thể đánh tưng bừng. Mê hoặc bởi tiếng trống đầy chất hoang dại châu Phi và nhận thấy chiếc trống rất cơ động tiện lợi nên gã quyết tâm đem nó về Việt Nam và dành mọi cơ hội để giới thiệu. Đến bây giờ, điều gã vui mừng nhất là hầu hết các ban nhạc trẻ ở Đà Nẵng dần chuyển sang dùng djembe.
Có lẽ lớn lên ở phố biển Đà Nẵng, rong ruổi ở vùng hoang dã Phi châu nên trong Diệp Chí Huy thấm đẫm vị mặn mòi của gió, của sóng lẫn tầng tầng lớp lớp hoang dại đại ngàn. Năm tháng ngao du ở lục địa đen, các ca khúc của gã chịu ảnh hưởng từ nhịp điệu Reagae, buồn nhưng không ủ rũ hay ủy mị, không ồn ào mà chỉ tạo sự sâu lắng, khắc khoải. Tiếng trống djembe như làm cho bài hát ấy đi sâu vào lòng người nghe, sự thô mộc làm bùng dậy cái bản ngã trụi trần của con người. Nó làm cho ta người hơn, lành hơn để mà yêu nhau, thương nhau như cơn gió thuở hồng hoang. Dọc đường rong ruổi, Diệp Chí Huy tìm thấy gương mặt mình: một gã nhắm nghiền mắt ôm đàn nghêu ngao hát về thân phận người…
Mai Quỳnh Nga