Ảnh chụp tại nhà anh Bùi Công Dụng , ngày đầu tiên gặp nhà thơ - nhà báo Trần Trình Lãm
Đi dọc sông Vu Gia thấy dòng sông hiền hòa bình lặng chứ không cuộn xiết như những ngày lũ lụt, tôi đã cảm xúc viết bài thơ “Khúc chiều Vu Gia”. Bài thơ này sau đó được đăng trên một số báo, tạp chí. Cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa, PV Báo Thanh Niên (lúc đó là trưởng nhóm từ thiện) đã gửi bài thơ Khúc Chiều Vu Gia cho nhạc sỹ Diệp Chí Huy. Lúc đó Huy đang ở TP Hồ Chí Minh và giữa chúng tôi chưa quen nhau. Khoảng hơn một tuần sau, qua Đặng Ngọc Khoa tôi nhận được bản nhạc do Diệp Chí Huy phổ với tựa đề “Khúc Vu Gia”. Cầm bản nhạc tôi thấy sung sướng trong lòng nhưng không biết giai điệu hát lên sẽ thế nào.
Rồi một ngày đáng nhớ đã đến. Đó là vào một buổi trưa chủ nhật giữa tháng 5 năm 2008, Đặng Ngọc Khoa gọi điện cho tôi bảo đến nhà anh Bùi Công Dụng gặp một “nhân vật quan trọng”. Tôi vội vã đến ngay. Anh Dụng là một nhà văn lúc đó đang công tác tại UBND tỉnh Quảng Nam, nhà ở trong một con kiệt đường Hoàng Diệu, TP Đà Nẵng. Khi tôi đến mọi người đang vui vẻ quanh chiếu rượu và “nhân vật quan trọng” mà Khoa nói chính là Diệp Chí Huy. Đây là lần đầu tôi và Huy diện kiến. Sau phút ngỡ ngàng chúng tôi bắt tay nhau thân tình. Hình ảnh người nhạc sỹ khá to béo, đầu “trọc”, ăn mặc hơi bụi bặm nhưng nhìn ánh mắt và nụ cười thì rất hiền hậu đã gây ấn tượng tốt cho tôi ngay phút đầu. Trong cuộc hội ngộ thú vị đó, Diệp Chí Huy ôm đàn guitar hát cho mọi người nghe bài Khúc Vu Gia. Thú thật khi nghe Huy hát tôi rất xúc động vì bài thơ của mình được chắp cánh bằng giai điệu âm nhạc rất có hồn. Sau này khi ca sỹ Phương Vy ở Vũng Tàu trình bày ca khúc này và được thu đĩa CD (NS Vĩnh Hà phối khí) tôi mới cảm nhận hết sự mượt mà quyến rũ trong giai điệu ca khúc đó. Nhưng cảm xúc lần đầu khi nghe Huy hát mộc bài này tại nhà anh Bùi Công Dụng thì vẫn còn lưu giữ trong tôi cho đến lúc này.
Từ đó, tôi và Diệp Chí Huy quen thân nhau. Huy về TP Hồ Chí Minh nhưng thỉnh thoảng bay ra Đà Nẵng cùng anh chị em văn nghệ sỹ, báo chí đi sáng tác, biểu diễn làm từ thiện tại nhiều địa phương miền núi Quảng Nam, Kon Tum… Trong những lần “lên rừng xuống biển” đó, Diệp Chí Huy đã phổ nhạc thêm nhiều bài thơ của anh chị em trong nhóm. Trong đó có bài thơ “Nhí nhảnh là em” tôi viết năm 2009 (Huy đổi tựa đề thành “Ngày tôi buồn”). Sau khi phổ nhạc xong, Huy hát cho tôi nghe qua điện thoại và hỏi ý kiến tôi xem thế nào? Mặc dù tôi nghe hay nhưng thú thật tôi không rành lắm về âm nhạc nên không tham gia gì. Tuy nhiên qua cách làm của Huy tôi nhân ra đây là một người sáng tác âm nhạc có tài năng, tâm hồn và nhân cách đáng trân trọng.
Trần Trình Lãm
(Nhà báo)