“LỤ MAN TANG”
HAY SỐ PHẬN NHỮNG CÔ GÁI CÓ CON NGOÀI GIÁ THÚ
Vừa đặt chân tới Sơn La, tôi vội vàng tìm thầy học vài tiếng dân tộc Thái để có thể “ứng xử” trước các cô gái xinh đẹp, vì ở vùng này có đến 40% dân số là người dân tộc Thái… và bài học bắt đầu:
- Phụ nữ: côn nhính. Đứa con trai: Lụ trai. Đứa con gái: Lụ nhính, chòng phùa. Em: Noong. Anh: Pi (hoặc ai). Yêu: hăc noong và … Lụ man tang.
Tôi ngạc nhiên hỏi “cô giáo”, một cán bộ của Hội Phụ nữ: lụ man tang là gì? Là con ngoài giá thú! Cô giáo tiếng Thái của tôi trả lời nghiêm chỉnh. Dường như cái từ mà tôi chưa kịp hỏi đến đã xuất hiện như một sự tất yếu sau những từ phụ nữ, yêu, chồng, con… và trong mối liên hệ nhân quả mang nhiều yếu tố xã hội.
ở các vùng cao Tây Bắc nói chung và ở tỉnh Sơn La nói riêng, việc nhiều phụ nữ có con ngoài giá thú đang là một vấn đề xã hội đáng quan tâm. Tôi đã gặp chị Quảng Thị Ún, hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu để hỏi về vấn đề này. Chị cho biết có đơn vị ở Lai Châu trong số 100 chị lớn tuổi thì 40 chị có con lụ man tang (ngoài giá thú), trong đó 12 chị buộc thôi việc, may mà Hội Phụ nữ can thiệp được. chỉ trong ba nông trường lớn ở Lai Châu là Điện Biên, Tam Đường, Mường Án, con số chị em có con ngoài giá thú lên gần mấy chụ người.
Còn tỉnh Sơn La, vấn đề này cũng là một mối lo âu, trăn trở của cán bộ công đoàn phụ nữ. ở xí nghiệp nghiên cứu Công Nông nghiệp chè Mộc Châu, trong số 1000 phụ nữ thì 70 chị có con ngoài giá thú, trong đó có những chị tới hai con. Có những chị là đảng viên, là cán bộ công đoàn, đã lớn tuổi, không có khả năng lập gia đình, “cũng liều nhắm mắt đưa chân” để có một đứa con nương tựa lúc về già. Trong ngành giao thông vận tải, con số này cũng không nhỏ. Chị Nga, trưởng ban Nữ công của ngành GTVT Sơn La cho biết ở những hạt hẻo lánh xa dân, nữ đông, nam ít, việc một số chị em lớn tuổi có con ngoài giá thú là không tránh khỏi. mỗi hạt có một vài chị như: Chị T ở Hà Nội, 36 tuổi, chị L 32 tuổi, vốn là người vùng xuôi lên xây dựng quê hương mới, nay đã rơi vào tình trạng “Một ngày hai bữa cơm đèn, lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng” nên đã chọn con đường có con mà không cần có chồng.
Chị Phạm Thị Hải, chủ tịch công đoàn xí nghiệp Công Nông nghiệp chè Mộc Châu, là người đã giải quyết nhiều chế độ cho các chị em có con ngoài giá thú. Chị kể: “Tôi đã dung biện pháp giải thích, nhắc nhở ở cấp tổ nữ công đối với chị em. Nhưng mặt khác, vẫn vận động mọi người giúp đỡ cho số chị em này có 40kg gạo một tháng. Khi chị em chuyển bụng, công đoàn tổ chức võng, cáng đưa qua sông suối cẩn thận… Chị còn cẩn thận dặn bác sĩ, y tá ở bệnh viện là đừng hỏi gì về hoàn cảnh riêng của chị em, và cũng nhắc mọi người trong xí nghiệp không nên đàm tiếu để chị em khỏi mặc cảm. điều này không phải tạo điệu kiện cho số chị em vi phạm tăng lên, mà ngay sau đó số chị em đế đặt vòng ở phòng y tế lại nhiều hơn. Rõ ràng chị em cũng ý thức được trách nhiệm của mình. Nghe chị kể, tôi lại bất giác nhớ đến câu thơ của nhà thơ Liên Xô Eptusenco: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời, mỗi số phận chứa một phần lịch sử…”. số phận thật khó khăn với những chị em này, nhưng xã hội không ngoảnh mặt đi với họ. nếu nghĩ về những gia đình nhẫn tâm từ bỏ con cái, thậm chí gây tội ác với chính đứa con do chính mình đứt ruột đẻ ra.. thì mới thấy ở đây một sinh linh đối với những người phụ nữ thiếu may mắn này quý báu nhường nào. Nhiều chị em lớn tuổi đã dằn vặt, khổ sở khi đi đến quyết định quan trọng này của đời mình. Có chị là cán bộ tổ công đoàn đã chủ động tâm sự với chị cán bộ công đoàn cơ sở (Mộc Châu).
- Nếu em có con ngoài giá thú chị có giận em không?
- Chị thông cảm với em, nhưng tốt nhất em nên thôi chức cán bộ công đoàn trước đã.
Nói vậy tưởng ngăn được, nào ngờ chị cán bộ công đoàn đồng ý từ chức, để sau có một đứa con cho ấm cửa vui nhà.
Còn ở huyện Mường La, có chị là đảng viên, có vị trí trong công tác, cũng âm thầm nuôi dưỡng nguyện vọng làm mẹ khi biết mình không có điều kiện thuận lợi để lập gia đình, dù biết mình có thể bị kỷ luật.
Ngay trong ngành giáo dục Sơn La, nơi được coi là mô phạm nhất, cũng có những cô giáo vùng cao ở tuổi lỡ thì chịu xấu mặt với học sinh để mỗi khi đi dạy về được nghe tiếng trẻ bi bô trong nhà.
Tình cờ tôi đã gặp và tâm sự với một người phụ nữ có con ngoài giá thú trên một chuyến xe khách về huyện Mộc Châu. Người phụ nữ (xin giấu tên) này không còn trẻ. Ở vùng Tây Bắc, đa số đều lập gia đình khi mới trên dưới, thì cái tuổi “băm tới mấy nhát” như chị quả là ế dài.Chị vừa đưa mắt trìu mến nhìn đứa con trai không có bố đang nghịch với mấy khúc mía, vừa tâm sự với tôi:
_Chắc anh còn nhớ, hồi trước người ta vận động lên xây dựng miền núi rầm rộ. Bao nhiêu trai gái lên đường. Rồi còn vận động phong trào “ba khoan” nữa. Trước hết là khoan yêu, yêu rồi thì khoan lấy, lỡ lấy rồi thì khoan co con. Bấy giờ thì chúng tôi đã từ bỏ gia đình, chia tay người yêu giữa lứa tuổi 18 để “bám trụ” quê hương với tinh thần rất cao, và cũng hết sức thông cảm với “ba khoan” vì thời buổi chiến tranh thì phải như vậy. Còn bây giờ thì đã khác… Con bạn tôi ở Nghệ Tĩnh viết thư cho tôi: Hồi xưa cánh lái xe đi qua bọn nữ giao thông thì hát: “Chào em cô gái Lam Hồng”. Bây giờ thì bọn họ hát: “Chào em cô gái chưa chồng”. Anh cứ nghĩ mà xem , phụ nữ không sinh nở như cây không đơm bông kết trái. Chúng tôi là phụ nữ, thèm được cái quyền làm mẹ, khao khát được giặt giũ, bú mớm, may vá, dạy dỗ cho một đứa con. Mà ở vùng cao thì “ba xu một mớ đàn bà” – đàn ông đàn iếc chả còn thèm dòm ngó đến chúng tôi nữa. “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm, ngẩng lên thấy núi, cúi xuống thấy đèo”… ai lấy mình cho khổ. Nghĩ mà cực anh ạ, bữa cơm một mình ngồi một mâm, ngồi bên nào cũng lệch…
“Sao chị không lấy người dân tộc?”. Tôi hỏi để níu kéo những câu nói như thơ như chị. Nào ngờ chị có vẻ nóng lên: “Anh nói lạ. Người dân tộc cũng chả them lấy cái thứ “già chát” như tụi tôi. Họ bảo “Chúng tao không lấy con gái Kinh đâu, con gái Kinh không đủ sức làm nương cho chúng tao đi “ ăn thuốc phiện”. Chị nói xong, lắc đầu chán nản.Tôi trộm nhìn chị và nhớ lại một truyện ngắn của Macxim Goocki.Chuyện về một đêm trọ của khách đi xe đường dài. Một chị nông dân mò sang chỗ một gã đàn ông khỏe mạnh không quen và nài nỉ: Hãy về với tôi, tôi sẽ đẻ cho ông một bầy con kháu khỉnh , chúng ta sẽ cùng làm ruộng và sẽ giàu có. Gã đàn ông kia gầm gừ từ chối. Nhà văn đến gần và hỏi người đàn bà: “Thế tôi về với chị được không?”. Người đàn bà lướm nguýt: “ Cái ngữ anh, tôi thèm vào!”. Thú thật, tôi và những người bạn tôi đã ít nhất một lần có ý nghĩ như nhà văn Macxim Goocki, nghĩa là “có thể giúp đỡ nếu…”. Nhưng chuyện đó khó có thể xảy ra. Người phụ nữ không phải chỉ cần có con mà mất đi tự trọng và tính thực tế. Cái giống của kẻ sống mà toàn “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” liệu có ích gì?
Ước muốn của người phụ nữ thật là đơn giản, sinh con, làm ăn sinh sống, nhưng nó lại vĩ đại biết bao, vì đó là điều cao cả thiêng liêng nhất của thiên chức làm mẹ. Song dù rất cần được quyền làm mẹ, người phụ nữ lỡ thì đồng hành với tôi vẫn không muốn bôi nhọ cuộc sống. Chị nói với tôi mà như nói một mình:
- Chị em chúng tôi vẫn bảo nhau, phải có con ngoài giá thú là cái số phận hẩm hiu, nhưng cũng đừng có coi thường chuyện đó, hãy chỉ có con trong những trường hợp cả hai đều có tình cảm với nhau, và “người ấy” phải khỏe mạnh và có nhiều đức tính tốt để con mình mai sau đỡ khổ… Thêm nữa, cũng không được can thiệp vào gia đình riêng của bố đứa trẻ, nghĩa là mình phải hy sinh tất cả.
Thế nhưng, chúng tôi được biết, không ít kẻ đã lợi dụng sự khó khăn của chị em để “đục nước béo cò”. Có một trường hợp hai người phụ nữ hàng xóm đã vô tình nhận ra tác giả cái bầu trong bụng họ chỉ là một người. lại có một trường hợp khác, phụ nữ muốn có con ngoài giá thú kia, đã bị nhiều kẻ lợi dụng một lúc sau một màn dàn xếp lừa lọc. Có những gã đàn ông đã có vợ cũng vẫn “tạm ứng” một cách bất lương, để liên lụy đến gia đình phải bỏ nhà ra đi. Đó là những điều càng làm cho những người phụ nữ muốn có con ngoài giá thú thêm đau khổ.
Ở Sơn La có một đồng nghiệp, anh Nguyễn Văn Lụa, phóng viên Đài phát thanh tỉnh Sơn La, cũng đã viết một bài về vấn đề này, nhưng theo tôi biết, đến nay bài báo của anh với tựa đề: “Những điều không có trong chính sách” vẫn chưa được đăng. Chưa đăng có lẽ vì ở chỗ “không có trong chính sách”. Tôi hỏi nhiều cán bộ công đoàn, phụ nữ, chẳng ai biết có một chính sách cụ thể nào về vấn đế chị em có con ngoài giá thú cả, hình như chỉ có một vài hướng dẫn nhỏ trong một cuốn gọi là “Sổ tay nữ công” mà thôi.
Đây là một vấn đề xã hội đã, đang và sẽ còn diễn ra ngày càng lớn ở các tỉnh vùng cao và xa xôi hẻo lánh. Tỷ lệ chênh lệch tự nhiên nam ít nữ nhiều, sự điều tiết lao động, hoàn cảnh xã hội, điều kiện ngành nghề… đã khiến cho hàng vạn chị em không có điều kiện lập gia đình đã phải thể hiện lòng khát khao được quyền làm mẹ bằng cách có con ngoài giá thú. Phần lớn chị em đã không hề đòi hỏi sự đền bù, đóng góp từ phía người bố. cũng hầu hết chị em khi có đứa con để bớt đi nỗi cô đơn đều đã lao động hăng say hơn, yêu đời hơn.
Đó còn là một vấn đề rất tế nhị. Các cán bộ công đoàn mà tôi đã phỏng vấn đều trả lời: Không thể ủng hộ nhưng phải thông cảm với quyền làm mẹ của số chị em đó, song chỉ đối với các chị đã lớn tuổi và thực sự không có điều kiện lập gia đình, cũng chỉ có thể thông cảm khi họ chỉ có một đứa con ngoài giá thú mà thôi, chứ tới hai, ba đứa đã là chuyện khác.
Theo chúng tôi tìm hiểu, đa số các chị có con ngoài giá thú đều chỉ bị nhắc nhở, kiểm điểm chứ không bị kỷ luật buộc thôi việc hay khai trừ Đảng, Đoàn như trước đây (trừ trường hợp đảng viên dự bị còn trong giai đoạn thử thách). Điều đó xuất phát từ tình người, từ sự quan tâm của xã hội. hầu hết các trường hợp này đều được cơ quan chủ quản giải quyết chế độ lương thực, chế độ thai sản, nhiều trường hợp được cấp nhà hoặc vay tiền làm nhà. Những đứa trẻ đó không gặp khó khăn gì về thủ tục khai sinh và nhập học. và cũng chính vì tin ở động cơ có con của người phụ nữ; người ta cũng chẳng còn hạch hỏi xem bố đứa bé là ai.
Nhưng đó là đối với trường hợp đã xảy ra, còn biện pháp để dành cho những trường hợp sẽ xảy ra (và chắc chắn ngày càng nhiều) thì sao? Nếu chỉ dừng ở mức “thông cảm” và “nhắc nhở” thì sẽ còn nhiều đứa trẻ lụ man tang ra đời.
Nên chăng Đảng, Nhà nước có thêm những chế độ, chính sách cụ thể (về luật hôn nhân và gia đình) đối với những trường hợp không ít và không phải ngoại lệ. và cũng cần ưu tiên chuyển vùng đối với những người đã phục vụ lâu năm ở vùng cao để tạo điều kiện cho họ có thể thay đổi hoàn cảnh. Về mặt phân công lao động, nên chăng phải tính đến yếu tố “có tre có trúc” ngay từ khi quy hoạch một vùng kinh tế mới nào đó.
Sơn La, tháng 10 - 1990