Mỗi lần về thăm quê, tôi đều ghé thăm những anh em văn nghệ thân tình cố cựu nơi thị trấn nhỏ bé và thanh bình gần con sông Trường Thi với bến My Lăng ngày thơ dại mình đã từng sống. Thường trong những cuộc rượu trước khi chia tay bằng hữu nơi quê nhà, anh em hay ngồi hát hoặc đọc cho nhau nghe những sáng tác gần nhất của mình. Và một trong những người tôi luôn luôn thích gặp đó giờ đã không còn nữa - nhạc sĩ La Hữu Vang
Ảnh họa sĩ Trần Đạt vẽ từ hình chụp
Anh Phạm Văn Hạng, một nhà điêu khắc dành cả đời tạc tượng danh nhân, nhà có cả một khu vườn tượng, khi ghé thăm, ông Huy Cận đã từng viết: “Đi vào vườn nhà ai như đi vào thời gian, mỗi mặt người - một chùm năm tháng”. Phạm Văn Hạng có lần đã tự tìm đến nhà La Hữu Vang khi có dịp ghé thăm Bình Định, không biết anh trao đổi tâm tình gì với ông nhưng khi gặp nhau anh trầm ngâm bảo rằng: La Hữu Vang là một con người khiêm nhu.
Là một người hoạt động trong lĩnh vực điêu khắc nên anh Hạng cũng rành về nhân tướng học, vì vậy mà hai chữ anh đúc kết để nói về nhạc sĩ La Hữu Vang làm tôi phải để ý.
Có phải chính cái khiêm nhu ấy chăng mà với những ca khúc đã để lại một dấu ấn khó phai với người nghe của thời kỳ Hát cho đồng bào tôi nghe. Ông đã sống vô cùng lặng lẽ, bình dị nơi quê nhà sau khi đất nước hòa bình thống nhất. Bài hát Tổ quốc ơi ta đã nghe tôi đồ rằng rất nhiều người trong cả nước biết nhưng có lẽ nhiều người thuộc lòng bài ấy mà chẳng biết tác giả là ai.
Qua anh Vĩnh Bình và Vĩnh Minh - học trò yêu của ông, tôi được gần gũi và quen biết ông. Hai ông anh này là hai người thầy vỡ lòng âm nhạc cho tôi lúc còn bé nên tuy không học ông nhưng tôi vẫn xem và gọi ông là thầy. Tôi còn học gián tiếp qua nghe được nhiều tác phẩm mới của ông lúc đó vì anh Vĩnh Bình tập nhạc cho đội văn nghệ thị trấn sát vách bên nhà. Hầu hết, ca khúc mới ông sáng tác thời điểm đó anh Vĩnh Bình đều sử dụng . Vậy nên, khi mang tặng hai ông anh CD album đầu tay Chỉ còn lại cơn mưa, tập hợp rải rác những ca khúc viết từ lúc còn học sinh trung học đến lúc đó, hai anh giới thiệu cho ông nghe và đó là lần đầu tiên tôi được đàm đạo cùng ông. Và cái điều ông nói làm tôi ngỡ ngàng, dù có một số lượng tác phẩm và bề dày sáng tác như thế nhưng ông chưa có bất kỳ một tác phẩm nào được ghi âm vào 1 CD nào hết. Ông nói: Hội Âm nhạc (ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) bảo sẽ làm nhưng còn chờ kinh phí và còn nhiều người đang xếp hàng nữa. Nên ông chờ… Và đến tận bây giờ, ông đã bước vào cõi thiên thu bao mùa rồi cũng chưa có được album CD hay một cuốn sách nào tập hợp các sáng tác của ông.
Trước tình hình sáng tác và phổ biến các ca khúc giai điệu nhạt nhẽo, vô hồn với ca từ nhảm nhí, dung tục, thiếu vắng tình người như hiện nay, những nhà hoạt động âm nhạc và văn hóa tâm huyết đã lên tiếng cảnh báo về sự xuống cấp trầm trọng của âm nhạc thời nay. Vì vậy, việc nghe lại những ca khúc nồng nàn tình yêu thương đất nước, con người của ông, đặc biệt, với những người trẻ tuổi chưa từng trải qua những năm tháng chiến tranh, chưa từng chứng kiến nỗi đau đất nước bị chia cắt nhưng lại đang tiếp cận những thứ ca khúc rác rưởi tệ hại vừa nêu lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Dẫu biết không thể nào có thể tập hợp toàn bộ sáng tác của ông qua các thời kỳ nhưng có còn hơn không, anh em, học trò, bằng hữu và gia đình phần sưu tập, phần nhớ lại và ký âm để làm thành cuốn sách La Hữu Vang và những khúc ca còn lại.
Cuốn sách là tập hợp một số những sáng tác của ông qua các thời kỳ như một nén hương thắp lên để nhớ về một con người khiêm nhu, biết lắng nghe lời kêu gọi của Tổ quốc vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử dân tộc, thời kỳ mà ranh giới cái sống, cái chết của chọn lấy thái độ sống lặng im hay lên tiếng là mỏng manh lá cỏ. Cuốn sách là nén hương cho một con người cô đơn, lặng lẽ, gầy gò thân xác có một niềm tin trong trẻo và mạnh mẽ với loài người rằng Không ai ngăn nổi lời ca.
Mời bạn ghé thăm và khám phá văn hóa châu Phi tại : http://matnachauphi.com