Bài viết mới nhất

Diệp Chí Huy - Nghêu ngao hát trên đường về

Diệp Chí Huy sinh ra và trải qua tuổi niên thiếu ở Bình Định, tốt nghiệp Đại học Thủy sản tại Nha Trang rồi về Đà Nẵng sinh sống. Cha là một nghệ sỹ violon và Guitar mất khi Huy còn rất nhỏ nhưng trong tiềm thức Huy từng được nuôi dưỡng và được truyền dẫn bởi niềm đắm say âm nhạc nơi quê nhà khi còn thơ ấu. Hành trang để đến với âm nhạc của Huy chủ yếu là tự học , học ở sách vở, bạn bè và các bậc đàn anh.

DIỆP CHÍ HUY, NGHÊU NGAO HÁT TRÊN ĐƯỜNG VỀ - CHÂN DUNG NGHỆ SĨ - NHÀ BÁO HỒ SĨ BÌNH

Nhạc sĩ Diệp Chí Huy đang trình bày ca khúc
Như cây đã khô - phổ thơ Đặng Ngọc Khoa


Nghệ thuật nói cho cùng đôi khi là sự nhạy cảm tình cờ, với Huy là một neo đậu định mệnh nơi  bãi bờ dòng sông của đời người, dừng lại và thủy chung với nó dù chẳng mong ước điều gì cao xa cả.

 Hãy nghe Huy bộc lộ nỗi cay đắng với chính mình:

 Em đứng hát trước mùa xuân cho tôi nhớ / Thời trai trẻ nhiều ước mơ khao khát / Nào đã làm được gì ngoài câu hát / Với bạn bè và hát để mình nghe …”

Cái đau khổ của một người sáng tác, một nghệ sỹ, cuối cùng cũng chỉ để mình nghe. Huy của chúng ta là như thế và anh biết, anh tiên cảm được nỗi mong manh đầy hệ lụy để đến với âm nhạc nhưng không thể làm khác gì hơn được!

Âm nhạc đối vời Huy là cuộc hẹn hò đầy lãng mạn, đầy thương cảm, một sự cứu rỗi khi đối mặt với chính mình. Hơn 20 năm qua dù phải áo cơm nặng nợ nhưng Huy vẫn lặng lẽ với nỗi đam mê cung bậc cũng chỉ cũng để chẳng làm gì cả bởi  như cách bày tỏ của chủ đề đêm nhạc của anh: “nghêu ngao”.

Nghêu ngao hát để cho đời bớt cô đơn, nghêu ngao hát để khỏa lấp những khoảng lặng ngay ở trong lòng  giữa bộn bề cuộc sống, nghêu ngao hát để quên đi những dặm dài khốn khó của kiếp người.

Huy đã viết nhiều ca khúc , nhưng  Huy vẫn dành  một số ca khúc tiểu biểu gắn liền với đời sống đầy kỷ niệm của Huy.

 

Giai điệu và tiết tấu những ca khúc của Huy trẻ trung, mạnh mẽ nhưng vẫn day dứt tha thiết, ám ảnh nỗi đơn  độc nhưng vẫn tạo được  sự sâu lắng, sang trọng trong ngôn ngữ âm nhạc. Như giai điệu và ca từ trong bài “Nghêu ngao”:

“Thơm hương tóc đêm lụa là / Vàng nắng tung tăng môi xinh ngọt ngào / Em đi tình cũ hư hao / Chợt tối vây quanh chân ai ngậm ngùi / Ngày chờ gió lên, đợi buồm xanh nắng tắt / Mượt mà lời nói yêu thương / Cây thôi bạc màu / Bên hiên hong tóc thơ ngây / Ngày tháng trôi nhanh vây quanh thì thầm / Yên tâm tôi có chiêm bao / Bừng sáng thênh thang mây xanh dịu dàng / Dù là giấc mơ sẽ buồn khi thức giấc / Rộn ràng lời hát bâng quơ /Ru tôi tình đầu …”

Ngôn ngữ âm nhạc của Diệp Chí Huy luôn tạo được  sự đồng cảm. Trong ca từ, trong  ngôn ngữ tác giả luôn ý thức chọn lọc hết sức tinh tế. Xúc động từ một bài  phóng sự của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Huy đã viết ca khúc là Lumantang đầy tâm trạng của một người mẹ với nỗi đau của những đứa con không có cha. Nội dung bài hát rất nhăn văn mà ca từ đầy chất thơ: “Đời mẹ khổ nên không còn cổ tích… Bỏ lại tuổi xuân rơi trên cánh cò / Bỏ lại ước mơ bay xa cánh đồng / Bỏ lại khát khao , đam mê …Lumantang, Lumantang…”.

Trong một ca khúc khi  còn là một học sinh khi đang học  phổ  thông trung học, Huy đã có viết một bài về quê hương của Huy để tặng một người bạn thân chơi nhạc cùng thời  lên đường nhập ngũ. Ca khúc thể hiện sự đa cảm, gắn bó với quê nhà Bình Định của anh trong âm hưởng vừa hiện đại mà mượt mà dân ca : M”Mai này em ơi / tôi về quê tôi Em có ngóng chừng dưới hàng dâu nhỏ / Chiều chiều dậm chân kêu nhớ / anh về Bình Định chi lâu  / anh về Bình Định chi lâu …“.

Âm nhạc của Huy trau chuốt trong giai điệu và đặc biệt chú trọng đến ca từ nên trong một số ca khúc, anh đã phổ nhiều bài thơ, như là Hoa chuỗi ngọc , Em đứng hát trước mùa xuân, Chỉ còn lại cơn mưa...

Và gần đây khi người bạn thân  nhà báo Đặng Ngọc Khoa ra đi, ngồi tiếc thương và đọc hết tập thơ của bạn, anh không cầm được nước mắt. Cứ thế mà giai điệu tuôn trào, quẫy đập, nỗi đau hụt hẩng như thấm được hình hài: Anh giờ đây cây đã khô / anh giờ đây con suối cạn / Tôi giờ đây buồn như bàn tay không ai nắm / Như bàn chân nhớ con đường ( Như cây đã khô ). Bài hát được HTV giới thiệu do chính tác giả trình bày.

 

Cuộc hôn phối giữa thơ và nhạc trong bước đường sáng tác của tác giả đã cho ra đời những ca khúc đẹp, bay bổng trong ca từ và da diết, quặn thắt trong giai điệu. Huy vốn là người thích xê dịch, sống nhiều ở Châu Phi (Ghana,Togo) nên trong lòng luôn đối mặt với tâm trạng hoài cố hương, nghêu ngao về một nơi chốn ở góc khuất tâm hồn mà Đà Nẵng là hiện thân của nỗi nhớ ấy, nỗi nhớ dòng sông. Bài hát “Hãy về với sông Hàn”  trước đây được phổ biến trên chương trình của VTV3. Và mới đây là “Sông Hàn và thời gian đã được nhiều người đón nhận khá nồng nhiệt bởi giai điệu da diết nồng nàn :Tôi chợ đời phiêu dạt bao sông / Chợt chiều nay quay đầu nhìn lại / như trẻ thơ bao ngày gặp lại / Sông vỗ về trở về đi tôi ơi…

Back To Top