Hồ Sỹ Bình bên phải trong một chuyến đi điền dã tại Quảng Trị quê anh
Trong một lần về Quảng Trị mới đây, tôi cùng Lê Đức Dục, Lê Diễn và Lê Hải về Đồng Dương, Hải Lăng thăm mộ Đoàn Thạch Hãn - một người bạn, một nhà thơ mà anh em chúng tôi quý mến.
Sau hơn năm mươi năm lưu lạc xứ người Đoàn Thạch Hãn đã về an nghỉ nơi quê nhà. Mộ của anh nằm sâu trong rú ngập tràn cát trắng, trước mộ là một khe nước bốn mùa nước chảy. Tôi chợt nhớ đến thơ của Hàn Mặc Tử Một mai kia bên khe suối ngọc/ với sương sao anh nằm chết như trăng/ sẽ không có nàng tiên mô đến khóc/ đến bên anh xoa dịu vết thương lòng...
Tôi gần gũi với anh cũng hơn hai mươi năm, biết rất rõ đời anh là một chuỗi những bi kịch, bao nhiêu đau đớn khốn cùng của trần gian mà anh từng phải mang vác suốt cả đời cho đến khi nhắm mắt.
Anh sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Quảng Trị, có cha là lính Cộng hòa chết trận. Năm mười bốn tuổi, ngồi bên dòng sông Vĩnh Định nhìn thuyền bè xuôi ngược mà mơ màng về những nơi chốn thị thành, khát khao những chân trời xa lạ:
Những chuyến đò đi qua ấu thơ
Xôn xao mặt nước rẽ đôi bờ
Hồn tôi thuở đó như trang giấy
Sầu chớm về theo những cánh buồm
Và những cánh buồm mang theo khát vọng lên đường dường như phố phường xa lạ/ thôi thúc tim tôi đến vạn lần. Anh một mình bỏ lại mẹ và em gái vào Sài Gòn, rồi xin vào học trường Quốc gia nghĩa tử. Sau đó đi Thủ Đức, rồi về làm báo Sóng Thần. Chủ báo là Chu Tử gả con gái nuôi tên là Triệu Giang cho anh. Sau 75, anh đi cải tạo, bà vợ ở nhà vượt biên với một người đàn ông khác.
Khi trở về, nhà cũ ở làng báo chí Thủ Đức bị tịch thu, anh cô thân độc mã phải bám víu lay lắt vào một số người quen cũ sống qua ngày. Rồi không thể khác đi, sự nghiệt ngã của cuộc đời, hoàn cảnh lúc đó xô đẩy, anh tham gia vào một nhóm “phục quốc” rồi bị bắt đi tù gần mười năm.
Ra tù chẳng biết nơi đâu để trở về, không chốn dung thân, chỉ còn nước lên Đắk Lắk làm thuê làm mướn. Một thời gian, chịu không nổi bỏ về Sài Gòn lên ga Hòa Hưng ăn bờ ngủ bụi bán vé chợ đen cơm cháo qua ngày, rồi bị công an hốt đưa về quận Ba bắt ngồi ngoài nắng nghe cán bộ huấn thị chuẩn bị đưa đi kinh tế mới. Cùng lúc, anh Huỳnh Bá Thành lúc ấy đang là Tổng Biên tập báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh chạy vespa qua thấy bèn vào đồn bảo lãnh cho anh.
Nhớ lại thời kỳ làm báo với nhau trước 1975, Huỳnh Bá Thành ở báo Điện Tín gần với Sóng Thần, hai người đồng nghiệp vẫn hay uống cà phê tâm tình. Huỳnh Bá Thành mới bảo lãnh cho anh về báo Công An. Để được trở lại làm báo anh phải viết một tập sách kiểu như truyện ký lấy tên là Ảo vọng - kể lại quá trình tham gia nhóm phản động âm mưu lật đổ chính quyền. Trong thời gian này, anh bị rất nhiều người quen cũ ở trong và ngoài nước chửi rủa khinh bỉ ra mặt. Cái bi kịch của anh là phải bập bềnh đứng giữa hai làn nước, một bên là khinh bỉ, dẫm đạp xa lánh, bên khác thì chẳng tin dùng, nghi ngại. Cũng phải cúi mặt để sống đã. Cuộc sống khi tận cùng ngõ hẹp, hết đường sống thì một chén cơm cứu đói ơn nặng như núi lớn lắm nghĩa tồn sinh. Còn mẹ và em gái đang khốn khó ở quê nhà. Cần phải cảm thông cho hoàn cảnh của anh.
Anh viết báo được một thời gian cho đến khi anh Huỳnh Bá Thành mất, Đoàn Thạch Hãn cảm thấy bơ vơ, lúc này anh hiểu rõ thân phận mình cũng chỉ là một thứ mưa ngoài ngàn, giá trị sử dụng đã hết. Làm sao mà ở một cơ quan ngành công an có thể tin vào một người đã có một lý lịch dính chàm như anh. Anh âm thầm tự mình dần dần rời báo Công An, chỉ viết báo theo kiểu tự do để kiếm sống. Cuộc sống lưu lạc quê người luôn vùi dập đa đoan thế sự, lại là một người vốn lãng mạn, cô đơn, cô độc nên luôn cần sự bù đắp tình cảm của người khác; đã bao lần nhẹ dạ cứ tin yêu vào những cuộc tình phù phiếm để rồi chia tay trong phũ phàng. Tội cho anh chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì, nhiều phụ nữ đã đến rồi đi, họ xem anh như chiếc cầu để qua đi một đoạn đời mà anh mãi là người đứng lại bên kia cầu để khóc cho phận mình. Đời anh đau buồn đến thế nhưng chẳng bao giờ nghe anh than vãn.
Tôi thương anh như một người bạn ly hương ngộ cố tri lòng luôn hướng về nguồn cội. Anh cũng là người yêu đất nước (dĩ nhiên ai không yêu đất nước) nhưng với anh, ở một hoàn cảnh éo le là đất nước trong suy nghĩ cá nhân, đã ruồng bỏ anh. Anh kể, cuộc sống bị săn đuổi vùi dập quá anh quyết định theo người bạn vượt biên. Đêm nằm ở Năm Căn chực lên tàu để ra khơi, thế mà bất chợt nghe bài hát Quê hương, thơ Đỗ Trung Quân, tự nhiên muốn khóc, không chịu nổi liền quay về lại Sài Gòn tiếp tục sống chui nhủi
Tình cảm với miền quê gió Lào cát trắng luôn se buốt xao xác trong lòng anh. Những năm tháng bận rộn làm báo, thế mà năm nào cũng năm, bảy lần về quê thăm mẹ và hay cùng chúng tôi cứ hễ có dịp lễ lược chi ngoài Quảng Trị là tất tả gói ghém về quê. Mấy năm cuối đời cũng khó khăn, có lần nghe anh em Quảng Trị ở trong Nam tụ hội quần hùng ngoài Đông Hà, thế là bán luôn chiếc xe dame dưới hai màu áo lên đường phó hội. Yêu quê đến thế là cùng, mà có phải để nhậu nhẹt ta bà chi, anh không uống được nhưng vẫn ngồi suốt đêm nhìn anh em ở quê nhậu. Anh đọc thơ, ngâm thơ rất hay, đặc biệt là đọc thơ anh, ai nghe cũng không cầm được nước mắt. Hình như trong thơ anh đã ủ đầy nước mắt của những oan khuất dập vùi lạc nước trôi sông những năm tháng đê đầu tư cố hương:
Mơ một ngày mai về Đồng Dương
Thả hồn theo điệu sáo quê hương
Soi gương mặt nước tìm thơ ấu
Trả lại dòng sông những cánh buồm
Đó là tâm thức của kẻ lưu đày trong ý thức vong thân quay trở vọng tưởng với cố quận trong khát vọng trở về come back to soriento. Ngôn ngữ thơ giản dị tưởng như ai viết cũng được nhưng khi nghe anh đọc, lại cháy bỏng một vùng tâm tưởng. Có một nhà phê bình từng nói rằng: Sự giản dị làm nên nét đẹp của thơ.
Có lẽ sự giản dị trong ngôn từ và nỗi lòng chân thật của anh đã làm lay động trái tim người xa quê trong tâm thế:
Hẹn về cạn chén cùng xuân
Cho quên mấy thuở trầm luân với đời
Đốt nhang quỳ với đất trời
Tìm trong nắng cũ một thời hồn nhiên
Muốn về lại chốn đầu tiên
Thoát từ giọt máu ra miền khổ đau
Anh Đoàn Thạch Hãn rất thích một câu chuyện trong Quốc văn giáo khoa thư. Chuyện kể rằng, có một người được đi rất nhiều nơi xa lạ, những thành phố xa hoa, tráng lệ... Khi trở về cố hương, người ta mới hỏi, đi nhiều nơi như thế, nơi nào là đẹp nhất. Người đó không ngần ngại trả lời: Quê hương mình là nơi đẹp nhất. Và anh viết:
Chao ôi những phố phường mơ ước
Chẳng thấy gì đâu chỉ thấy buồn...
Với anh quê hương là tất cả. Những bài thơ hay nhất vẫn là những bài thơ về làng quê, về dòng sông Thạch Hãn nơi nhau rốn của mình. Ngay cả khi cuối đời bệnh tật đang trải qua những đau thương cho quên mấy thuở trầm luân ở đời, anh cũng ngùi ngụi hoài vọng hai chữ cố hương:
Dĩ vãng tràn về trong heo may
Cạn chén trà thơ buồn da diết
Sao vẫn còn yêu đến tuổi này
Mai tôi từ tạ em nào khóc
Tình qua tay mình như khói bay
Tôi còn giữ mãi trong tim thơ
Giữ cả tình em nơi cố hương
Bài thơ như một tiên cảm về một mong ước cả đời muốn về lại chốn đầu tiên/ thoát từ giọt máu ra miền khổ đau chỉ trở thành hiện thực khi nằm xuống trên vùng truông rú mênh mông nơi quê nhà yêu dấu.
___________________________
(*) Đoàn Thạch Hãn tên thật là Đoàn Văn Tung, sinh ngày 10.4.1949 tại làng Đồng Dương, xã Hải Dương, Hải Lăng, Quảng Trị. Lưu lạc vào Nam năm 1962. Bắt đầu cầm bút từ năm 1965 với các bút danh: Đoàn Kế Tường, Đoàn Thạch Hãn, Thiên Lý, Đoàng Nguyên, Cỏ Hoang…
Sau 1975, tiếp tục nghề báo, công tác báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm: Mùa hoa phượng (thơ, 1971); Ảo vọng (truyện ký, 1989); Lòng ta lá rụng ven đường (thơ, 1974); Ảo vọng (truyện ký, 1989). Mất ngày 3.9.2014.
Tùy hứng
Mai tôi quay gót về quê cũ
Một nửa hồn muốn theo bóng em
Hồn nữa đến hư còn chưa đủ
Sắp bước chân đi lòng đã mềm
Thôi em ở lại, ngày sắp mới
Giông bão tan rồi chắc sẽ vui
Bốn tiếng tro tàn không ấm lửa
Tôi giữa chiều Thu ngồi nhớ em
(Đoàn Thạch Hãn)
QUÊ QUÁN ƠI - lời thơ Hồ Sỹ Bình , nhạc Diệp Chí Huy