http://www.tienphong.vn/van-nghe/655788/Nhac-si-Diep-Chi-Huy-ve-dem-lai-ca-dao-tpp.html> Tám nhà thơ trên sân khấu sáu mặt
TP - Đêm diễn giới thiệu ca khúc của nhạc sĩ Diệp Chí Huy “Tôi về đếm lại ca dao” sẽ diễn ra lúc 20h, ngày 13/11 tại nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng.
Nhạc sĩ Diệp Chí Huy (thứ 2 phải sang). |
Có lẽ là nhân duyên khi nhà thơ Đỗ Trung Quân, người nhận lời dẫn dắt chương trình từ cuộc giao lưu tại Đà Nẵng và ông có nhận xét: “Những ca khúc của Diệp Chí Huy là một thứ âm nhạc tử tế đang còn nằm trong bóng tối, rất cần sự chia sẻ". Riêng đạo diễn Đinh Anh Dũng - tư vấn nghệ thuật đêm nhạc lại có lời: “Trong điều kiện khó khăn hiện nay, cố gắng làm thế nào đạt đến sự sạch sẽ và sang trọng là tốt rồi”.
Diệp Chí Huy sinh ra từ gia đình có truyền thống âm nhạc, cha là một nghệ sỹ violon và guitar. Cha mất khi anh còn nhỏ, nhưng trong tiềm thức anh được nuôi dưỡng và truyền dẫn bởi niềm say mê âm nhạc của cha. Trải qua tuổi niên thiếu thơ mộng ở Bình Định, hành trình Huy đến với âm nhạc hoàn toàn bằng cách tự học, học từ sách vở, bạn bè và những bậc đàn anh.
Anh chơi với vai trò Lead Guitar và hát trong một nhóm ca khúc chính trị những năm thập niên 80 và suốt cả quãng đời sinh viên trong ban nhạc của trường Đại học Thủy sản ở Nha Trang. Tốt nghiệp đại học năm 1987, chàng trai chọn Đà Nẵng làm miền đất sống và tiếp tục niềm đam mê âm nhạc. “Thương nhớ Bình Định”, ca khúc đầu tay viết tặng một người bạn lên đường nhập ngũ để lại niềm yêu thích cho nhiều bạn bè, rồi từ đó nhiều tác phẩm khác ra đời.
Dường như cuộc sống là cánh cửa mở rộng trong tâm thức của anh. Huy đèo bòng nó dù đã có gia đình và con nhỏ, anh chấp nhận vượt đuổi niềm đam mê đó bằng cách đi tìm chân trời mới lạ. Năm 2004, anh lên đường bắt đầu cuộc mưu sinh phiêu dạt ở một số nước châu Phi như Togo, Benin, Ghana, Nigieria, Bukinafaso. Có lẽ quãng thời gian đó cũng là dịp khám phá những dòng kẻ thanh âm xen với lòng nhiệt huyết trong tình cờ duyên phận người nghệ sĩ.
Thời gian sống ở châu Phi, Huy tìm kiếm nghiên cứu một số hình thái văn hóa âm nhạc xứ sở này, cách những người nhạc công da đen sử dụng trống vỗ Djembe, quan sát điệu nhảy hoang dã Mapouka, những tương tác đời sống văn hóa ảnh hưởng đến phong cách âm nhạc tạo tính cách riêng. Đặc biệt, Diệp Chí Huy đã vận dụng khá thành công thể loại âm nhạc những người da màu yêu thích Bob Marley là Reagae vào trong ca khúc của mình như “Nghêu ngao” anh viết lúc ở Togo và “Như cây đã khô” sau này ở Việt Nam.
Một cuộc hạnh ngộ tâm tư, chàng nhạc sĩ gốc miền Trung luôn nhìn về sự khác biệt về văn hóa. Thời gian ở Togo, thường ngồi bar Fifty Fifty uống bia ngay tại vỉa hè, nghe những người hát rong hát và chơi trống, anh quyết định tìm đến học Viện âm nhạc và nghệ thuật ở Krokobite (Cộng hoà Ghana) để học trống châu Phi.
Cuộc mưu sinh của chàng nhạc sĩ có vóc dáng và cá tính cũng rất… Phi châu này cũng nhiều giằng níu. Nó kéo anh đi khắp thế giới bằng số phận. Rồi về nước làm ăn gặp đủ mánh khoé cạnh tranh, bị khách hàng thiếu nợ. Trò kinh doanh vui buồn lẫn lộn. “Cầm trong tay một đống giấy tờ xác nhận nợ nhưng vẫn không thu được tiền. Đành phải cầm cố nhà cửa trả tiền cho bạn hàng, riêng mình sáng sáng phải cùng vợ ăn bún với xí dầu”.
Có lẽ mảnh đất châu Phi đã khiến đôi chân anh trở nên thèm rong chơi, lúc nào cũng lang bạt tìm cảm giác thăng hoa. Cuốn hút anh là văn hóa đời sống, phong tục, tập quán, và cả kinh doanh, nhưng nỗi vấn vương không thể nào dứt ra là âm nhạc.
Tháng 2/2008, Diệp Chí Huy tổ chức chương trình âm nhạc “Nghêu ngao” trình làng một số tác phẩm với bạn bè Đà Nẵng. Một bầu không khí âm nhạc lạ lẫm lần đầu xuất hiện ở mảnh đất núi biển này. Ca khúc “Hãy về với sông Hàn” được phát trên VTV3 do ca sĩ Đỗ Quyên trình bày. Rồi “Như cây đã khô” phát trên HTV do chính anh trình bày, nằm trong mục những bài hát được ưa thích của Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng.
Đặc biệt, bài “Lumantang - tình yêu của mẹ” anh viết sau khi đọc phóng sự Lumantang của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trên báo Lao Động, một hình thức… “phổ nhạc từ phóng sự” độc đáo như nhận xét trên báo Thanh Niên. Nhiều ca khúc đậm chất thơ tạo được sự đồng cảm, như “Nghêu ngao”, “Chỉ xin đã có lần”, “Tôi về đếm lại ca dao”...
Anh viết nhiều thể loại ca khúc, từ trữ tình phổ thơ như “Chỉ còn lại cơn mưa” (thơ Giang Tuấn Đạt), “Hoa chuỗi ngọc” (thơ Trần Thị Trung) đến cả Bolero mà nhiều nhạc sĩ ngại đứng gần, sợ qui vào…“sến”, vào bình dân như “Quê quán ơi”, “Khúc Vu Gia”… nhưng lại khiến nhiều người xa xứ không cầm được nước mắt.
Ca khúc Diệp Chí Huy tự nhiên như hơi thở và người nghe như thấy những trái ngang cuộc đời, thấy được những hồ như không còn gặp lại, lúc mờ khi tỏ những cánh đồng xa lạ, dạt dào thanh âm bốn mùa nắng mưa. Nó thuần khiết, vụng dại như những nét chạm trổ khuôn mặt những thổ dân châu Phi trên chiếc mặt nạ bám bụi thời gian.
Mời bạn ghé thăm và khám phá văn hóa châu Phi tại : http://matnachauphi.com
Ca khúc “Nghêu ngao” Diệp Chí Huy viết lúc ở Togo và “Như cây đã khô” sau này ở Việt Nam là một cuộc hạnh ngộ tâm tư của chàng nhạc sĩ gốc miền Trung về sự khác biệt văn hóa. |
Huỳnh Lê Nhật Tấn