TÂM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ HỒ SĨ BÌNH

 

Tần Hoài Dạ Vũ

 

Thời gian bao giờ cũng có tiếng nói riêng, dù là trong cuộc đời thực đa đoan hay trong văn chương và triết học.

Ý niệm thời gian bao giờ cũng hiện hữu trong đời người. Làm sao không băn khoăn trước những bước đi của thời gian? ta đứng tựa nơi mùa thu không trở lại. gió u hoài gửi lại phía chân mây (Bất chợt). Câu hỏi ấy gần như đi suốt đời người. Người thơ luôn tự vấn và luôn muốn tìm câu trả lời, nhưng đâu phải lúc nào câu trả lời cũng tới. Vâng, chẳng phải bao giờ trong đời ta những băn khoăn về thời gian cũng có câu trả lời: gần 40 năm sóng bạc đầu dội lại từ phía ấy/ ta đi về những con đường ngược gió/ phía tiếng cười uất nghẹn tuổi xa xưa (Chiều ngược gió). Những câu hỏi không ngừng trong cuộc đời đầy dâu bể.

Tôi chưa từng biết về cuộc đời riêng và gia thế của Hồ Sĩ Bình. Anh em chúng tôi chơi với nhau và quý cái tình chân thành của nhau, không tra hỏi và không để những chi tiết về gia cảnh xen vào tình thân. Nhưng, qua thơ Hồ Sĩ Bình, tôi cảm nhận được những đổi thay của lịch sử - xã hội đã có tác động không nhỏ lên tâm hồn anh. Nếu tôi nhớ không nhầm, thế hệ của anh, như một người học trò cũ của tôi đã từng gọi tên, là “thế hệ gãy cầu”. Chiếc cầu đưa dẫn những con người trẻ giàu nhiệt huyết và không ít mộng mơ, không thiếu hoài bão ấy, đi vào cuộc sống, bỗng dưng gãy sụp. Cả một lớp người trẻ bơ vơ. Có nhiều người trầm luân, nhà cửa, của tiền bỗng dưng mất hết, theo nhiều cách. Và họ vào đời mà không biết bám víu vào đâu. Họ bơ vơ ngay trong những bước chân và trước cả ngày tháng hun hút trước mắt. ta đến ta đi đường dài vọng tưởng. mai mốt xa rồi còn một tiếng chuông ngân (Gia nghĩa). Và còn hơn một cảm giác mất mát, đó là một nỗi tang thương nhân thế, như thân thế nàng Kiều lưu lạc của Tố Như: tôi về đọc sách nơi vườn cũ/ thấy tiếng đời đi như bóng câu/ câu thơ cũ đời nay vẫn tang thương như vạn cổ/ đã hết trang thơ chưa đi hết đời Kiều (Dưới bóng tượng Nguyễn Du). Cảm nhận của tôi chắc không sai. Vì chính tôi, thuộc thế hệ trước của lớp người như Hồ Sĩ Bình, mà cũng nào tránh khỏi những mất mát đớn đau trong tâm hồn. Thì đây, người thơ đã gần như bày tỏ với chúng ta: cạn đi/ chén rượu bên trời/ để quên thế sự/ lắm lời/ đa đoan (Hương ơi). Tiếng kêu thảng thốt “hương ơi!” ấy không hề dành cho một người đẹp nào, mà là tiếng kêu đau xót dành cho dòng sông thơm của xứ sở mộng mơ có lúc đã không còn mơ mộng được nữa rồi!

Nỗi đau xót chuyện đời như đan cài vào ngôn ngữ thơ Hồ Sĩ Bình trong suốt cả thời gian và không gian của Mưa nắng lưng đèo.

Ta thương ai hay ta thương chính thân phận mình. Mà cũng đâu phải chỉ là thân phận của riêng mình; đó hình như là, và chính là, thân phận của cả một lớp người, một “thế hệ gãy cầu”. thời sĩ tử ai dám nhìn sâu trong mắt/ nhánh rong rêu đã lạc nước xa mù/ bên đèn khuya một mình chong mắt nhớ/ mai ra đi đăm đắm phía sa kỳ (Lạc nước xa mù). Nhưng đi đâu, hay cũng chỉ là những bước quẩn quanh trong số phận bế tắc. thôi em ngồi với ngày xưa/ mai tôi về nhớ ngày mưa trên ngàn (Mới đây). Biết là ảo vọng mà vẫn không thể không mong đợi một vầng trăng quê cũ, vì gần như đó là sự an ủi, là nỗi lòng đắng cay, tủi cực mong được xoa dịu chút nào đó cho tạm lãng quên trong men rượu buồn ta say khướt cảm ơn đời tri ngộ/ rượu quê nhà khắc khoải một vầng trăng (Miền nhan sắc).

Trong nỗi bơ vơ ấy của người thơ, ta tưởng như sẽ gặp sự bế tắc tinh thần, nhưng không, thực lạ là cùng với thời gian, con người không run sợ trước hư vô, trước mọi biến thiên, dâu bể của cuộc thế thăng trầm, mà con người mang nhiều hệ lụy ấy, tiêu biểu cho một thế hệ lạc loài, đã biết đi tìm sự thanh thản cho tâm hồn bằng chính những chất liệu sống cao đẹp nhất. Điều này giúp ta nhìn ra một vấn đề có tính tổng quát hơn. Khác với triết học phương Tây luôn coi thời gian là kẻ thù của con người, mỗi bước chân của thời gian chỉ luôn đưa con người càng gần hơn về phía cái chết, với hư vô, triết học phương Đông, nhất là triết lý sống của người Việt Nam chúng ta, lại thường coi thời gian là bạn của con người, thời gian giúp cho con người khôn ngoan hơn, minh triết hơn. Đó chính là thái độ chấp nhận cuộc đời như nó có, không kêu than, không oán trách, mở lòng bao dung của chính mình để đón nhận sự bao dung của đất trời: mai kia trời đất bao dung/ thôi về nghiêng chén tương phùng gió mưa (Tiễn liễn). Có thể nói thế này chăng, thơ là nhịp cầu giúp con người, giúp chính bản thân người thơ, bước vào thế giới nội tâm, để khám phá ra những điều mới mẻ của tâm hồn, những điều tưởng như ai cũng biết, mà thực ra vẫn luôn mới lạ; và cũng có thể đó là con đường dẫn đưa ta về lại với tuổi trẻ: ngày trở lại ngỡ lòng như ngọn khói/ bỗng lao xao bếp lửa ở bên trời (Tự khúc). Câu thơ này của Hồ Sĩ Bình bỗng xui tôi nhớ một nhà thơ Pháp, Emile Verhaeren đã nói như thế này: "...je me sens/ N'être qu'un merveilleux fragment/ Du monde en proie aux gee1antes mee1tamorphoses" (...Tôi cảm thấy tôi/ chỉ là một phần nhỏ bé nhưng kỳ diệu/ của vũ trụ đang chịu những sự biến cải lớn lao"...).

Tôi thấy thật đáng quý ở Hồ Sĩ Bình là hồn thơ ấy như vẫn sống phù hợp, thích nghi trọn vẹn với truyền thống văn hóa dân tộc.

Chúng ta biết rằng, dân tộc ta đã xác lập được một nhân sinh quan kiện toàn. Chúng ta đã không coi những tiến bộ kỹ thuật như là con đường duy nhất dẫn đến sự phát triển, để tới một lúc nào đó con người trở thành những nô lệ tự thân, những con người sống và sinh hoạt có điều kiện trong sự vây hãm của máy móc, hoàn toàn đánh mất niềm tin; chúng ta cũng không coi cõi nhân gian này là những bào ảnh mong manh, chẳng cần phải hành động làm gì cho nhọc sức; chúng ta cũng không hề xem cuộc sống là một trò tiêu khiển hay chỉ là một nơi chốn để hưởng lạc, vì ngày tháng phù vân. Ông cha chúng ta đã có những biến giải tư tưởng ngỡ như tầm thường mà vô cùng hợp lý, vững chắc và luôn tạo được sự quân bình, tự tin khi tiếp nhân xử thế; đó là, luôn hướng tới tha nhân, luôn gửi hết niềm tin và tình thương yêu vào con cháu. Văn hóa Việt, nhờ vậy, là một nền văn hóa thường tồn (permanence).

Thơ Hồ Sĩ Bình, trên một góc độ nào đó, đã thể hiện được cái quan niệm sống bao dung và thanh thản đó: ơn em còn giữ thật thà/ dù cho thiên cổ vẫn là nhớ nhau (Ngày bão rớt).

Như thế, cuộc sống của chúng ta hôm nay có cả tâm tình, ý chí và nghệ thuật sống của ông cha ta. Hiện tại chứa đầy quá khứ và là thước đo, là bước chân chuẩn bị tiến vào ngày mai. Trong tính chất thường tồn (permanence) đó của văn hóa dân tộc chất chứa cả đạo lý, tình yêu cuộc sống, niềm tin vào sự tồn tại của những giá trị nhân văn và cả nỗi đam mê các thú vui bình thường của những con người luôn biết dung hợp giữa lạc thú cuộc đời và lý tưởng hướng thiện.

Thơ Hồ Sĩ Bình như muốn khẳng định điều đó: ...ta bỗng quên mình/ đang nhiễu sự/ lòng nhẹ trong sương/ một chén trà (Bữa nọ). Đừng lầm đó là thái độ và cách sống ẩn cư của người xưa bất đắc chí. Đây chính là ý thức quay về với cội nguồn của tâm linh và sự hài hòa giữa cái tôi nhỏ bé và cả vũ trụ bao la ngoài kia, cả cuộc đời rộng lớn vẫn luôn đón nhận ta về. bữa nọ buồn tình/ lần vô núi/ nửa đêm trăng gọi/ ra bên suối/ tóc suối trắng phau/ cười ha hả/ đôi bạn thật ra/ chẳng biết già/ suốt buổi hẹn hò/ hát với ca (Bữa nọ). Hay đó là cái tình của con người biết hòa vào với thiên nhiên để tìm ra nụ cười cho nhân thế: này em chân nhỏ trên đồi/ hát cùng mây trắng một lời cho vui (Lục bát xuống dòng).

Và phải chăng đó cũng chính là khẳng định cả sự nối kết của truyền thống, như đã nói, về tính chất “văn hóa thường tồn”: ngõ về thơm biếc đường hoa/ cho tôi cảm tạ quê nhà ngày mưa (Mưa thành cổ). Quê nhà ấy, những vùng đất nghèo nhưng nặng nghĩa tình mà anh đã bôn ba suốt thời trai trẻ: thành cổ Quảng Trị, Gia Nghĩa (Đắk Nông), Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), Bàu Trúc (Phan Rang), sông Kôn (Bình Định), Sapa, Mai Châu... và cả Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn của buổi đất nước đổi thay... Tất cả những không gian ấy, những con người trên những vùng đất ấy, đã để lại trong tâm hồn người thơ bao nỗi niềm, bao tình nghĩa. Nhiều khi, câu thơ như nhuốm nỗi muộn phiền, nhuốm màu sương khói của nỗi buồn và sự hiu hắt của kiếp người phù sinh. Và tôi bỗng nhớ Archibald Macleish đã từng nói: “A poem should be equal to: Not true” (Một bài thơ phải như một sự không có thật). Nhưng với Hồ Sĩ Bình, dù gần 40 năm sóng bạc đầu dội lại từ phía ấy/ ta đi về những con đường ngược gió... (Chiều ngược gió), thì cái Tâm-Thức-Quê-Nhà vẫn giữ chân anh lại, ngăn không cho anh bước tới hư vô.

Như thế, thơ Hồ Sĩ Bình tuy đầy ắp những nỗi đời, những thế sự đảo điên, những vùng đất nghèo anh đã đi qua. Nhưng thơ ấy không để bị nhận chìm trong những cảnh đời dâu bể. Thơ ấy đi ra từ đời buồn, để vượt lên chính lòng mình, vượt lên cuộc đời thực không vui, để cuối cùng quay lại với cuộc đời này trong tâm thức bình yên.

Chính vì vậy, ta có thể nói rằng, tâm hồn chúng ta là thời gian mất đi, nhưng đồng thời, tâm hồn chúng ta cũng là thời gian còn lại. Theo tôi, ý niệm thời gian trong tâm hồn con người chính là ý niệm của một thứ thời gian nối kết (temp liés). Chính sự trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại ấy đã làm nên tình yêu trong chúng ta. Và đâu phải là tình cờ khi có người cho rằng, tình yêu chỉ có thể giữ được sức mạnh và nét đẹp quyến rũ của nó nếu óc thông minh và trí tưởng tượng có được một sự sáng tạo nào đó thêm vào cho tình yêu. Và ở trường hợp của Mưa nắng lưng đèo, đó là sự thêm vào cho thơ.

Trước sau, tôi vẫn nghĩ rằng, thơ là khuôn mặt và bề sâu của sự vật và cuộc đời được phản chiếu, cộng với điều gì đó mà người làm thơ đã mang thêm vào cho cuộc đời và sự vật đó. Viết được một câu thơ hay cũng chính là bật sáng lên được trong tâm hồn mình (và cả tâm hồn người đọc) một ngọn đèn. Ngọn đèn ấy không chỉ soi sáng hồn và trí, mà còn soi sáng cả tình yêu của ta, giúp ta có thể sống gắn bó với người ta yêu, giúp ta có thể hòa thuận với cuộc đời, trong ý thức cống hiến trọn vẹn cho cuộc đời đó. Dẫu rồi cũng đến lúc ta ra đi.

Nhưng có hề chi, vì nếu vậy, tôi sẽ lại mượn câu thơ Vương Duy để Tống biệt: Đãn khí mạc phục vấn. Bạch vân vô tận kỳ (Người đi hỏi chẳng nên lời. Bên trời mây trắng một đời còn bay" - THDV dịch thơ).

Thơ Hồ Sĩ Bình đã có lúc làm bật sáng trong lòng tôi những ngọn đèn tâm thức đó.          

 

Phương Nam, tiết Vu Lan, năm Mậu Tuất,

      25/8/2018

       T.H.D.V   

 

     

 

Image may contain: 1 person, text

 

 

 

 

 

Back To Top