Nỗi đau trầm tích

Quen anh Phạm Hùng đã lâu , biết được nỗi đau không thể nào diễn tả được của một người cha như anh nhưng hoàn toàn không biết anh có làm thơ . Phải chăng sau biến cố đứa con trai kiến trúc sư tài hoa qua đời sau ngày cưới chỉ có một ngày khi cả gia đình cùng đi dã ngoại tại biển Đề Gi đã làm anh suy tư nhiều hơn vè trần gian này . Xin giới thiệu bài viết của Lê Bá Duy về tập thơ " Nỗi đau trầm tích " của anh .

HÃY CHƠI TRỐNG DJEMBE D.FOLA ĐỂ CẢM NHẬN  ĐIỀU MỚI MẺ VÀ THÚ VỊ TRONG ÂM NHẠC .

NỖI ĐAU TRẦM TÍCH

TRONG THƠ DUY PHẠM

 

·        Lê Bá Duy

 

    Bỗng nhiên một tin nhắn gửi vào điện thoại tôi. Số lạ? Cứ đọc xem sao! Thì ra là một bài thơ 4 câu tình ý sâu sắc. Dần dà những tin nhắn thơ tiếp tục gửi về máy. Rồi tôi cũng biết tác giả- anh Phạm Hùng- bút danh Duy Phạm, một giáo viên dạy mỹ thuật ở thị xã An Nhơn, một người thơ tài hoa nhưng ẩn thân trong sa mạc thơ hiện tại.

   Thế rồi anh và tôi quen nhau, quý nhau. Tôi đọc tác phẩm của anh nhiều hơn. Tạng thơ anh khiến tôi rất thích, thích được chiêm nghiệm và ngộ ra được từ thơ một nỗi đau trầm tích nén trong ngôn ngữ hàm súc cứa cắt trái tim mình.  

   Tập “Nỗi đau trầm tích” tập hợp 83 bài thơ viết trong nước mắt, trong niềm thương nỗi nhớ, trong khắc khoải đợi chờ, trong tỉnh-say, được-mất, trong dâu bể - an nhiên… để đọng lại một nỗi buồn như ngọn lửa xanh thầm cứ cháy âm âm trong lòng tác giả.

    Ngọn lửa ấy truyền sang tôi từ “tiếng vọng đêm” “để chơ vơ nhớ, để “đờ đẫn đau”. Ánh sáng ngọn lửa chuyển thành thanh âm đồng vọng người đọc cùng trăn trở, thổn thức: “Đêm dài vọng một ngày sau/ Cho ta tìm lại trong nhau ngày đầu…”.   Và anh đã tìm được sự “an nhiên” từ nỗi đau tích tụ: “Ngày mai, dù có ra sao/ Hôm nay ngồi dưới cội đào... hồn  nhiên” (Tìm).

“Lên chùa” là bài thơ hàm ngôn giàu hình tượng. “Quét lá bồ đề” chỉ là cái cớ để đánh thức “cái u mê” mà con người ta lỡ sa vào vòng luẩn quẩn phù phiếm của cuộc đời. Mở ra một nghịch cảnh trớ trêu “Lá xanh rơi rụng buồn đau lá vàng”. Hình ảnh ẩn dụ “lá xanh” chỉ cho con, “lá vàng” chỉ cha mẹ. Dân gian có câu: Người đầu bạc tiễn người đầu xanh. Chỉ một câu thơ thôi ta thấu được một nỗi đau của người cha mất con.

Và khi đọc đến bài “Riêng ta” tôi đắng đót nỗi buồn “riêng” của tác giả:

Bỗng dưng biển nhớ gọi về.

Tháng năm xa mãi còn trơ nỗi buồn.

Biển êm sao lại sóng cuồng.

Đời vui- sao chỉ nỗi buồn riêng ta?

Sao phải đặt tựa “Riêng ta”? Phải chăng đó là nỗi riêng của Duy Phạm? Nhưng hình ảnh “biển” trong bài thơ cứ ám ảnh, cứ ray rứt tôi: “Biển êm sao lại sóng cuồng” hay đó là hình ảnh kinh hoàng ám ảnh tác giả, lấy đi những gì quý giá nhất của anh!

  Tôi thích lối diễn đạt này: “Có khi là tỉnh trong say/ Là mưa trong nắng/là ngày trong đêm/ Chỉ là một sợi tơ mềm/ Làm  sao cột chặt/ nỗi niềm... thương đau?/ Niềm vui sương mỏng tan mau/ Nỗi đau trầm tích chìm sâu đáy lòng” (Trầm tích). “Sợi tơ mềm” làm sao “cột chặt nỗi niềm thương đau” nhưng nó lại cột chặt tác giả và chính nỗi niềm đau thương ấy cứ “trầm tích” trong anh mỗi lúc một lớn dần lên...

     Đọc thơ Duy Phạm, người đọc dễ nhận chân niềm vui thì ít mà nỗi đau thì nhiều. Thế nhưng, nỗi đau buồn trong thơ anh không hề bi lụy. Kết thúc nỗi buồn lại lóe lên một ánh sáng yêu thương để “an nhiên tĩnh tại trong cuộc đời: Trong hồ còn một nụ sen/ Cuối mùa sót lại chen trong lá vàng/ Vẫn đùa cùng nắng thu sang/ Vẫn cười khoe sắc đông tàn mặc đông” (Tĩnh tại).

  Ở “Nỗi đau trầm tích” ta còn bắt gặp tình yêu quê hương ẩn trong lời ru hời của mẹ. Nhưng phần lớn trong “trầm tích” ấy là nỗi đau xót “thấu tận cùng thinh không” trong nghĩa trang đìu hiu lặng lẽ của người cha mất con khóc ướt một chiều mưa tầm tã… Và ngộ được nỗi đau đó nhân đôi trong tôi khi đọc đến bài “Vết thương tổ phụ” của anh…

   Duy Phạm còn có cách diễn đạt rất mới, rất lạ nhưng độc đáo: “Đêm nay/ Say giấc ngủ nhờ/ Ngỡ là đang tỉnh/ Giấc mơ trang đài?/ Ngày mai/ Gánh mỏi trên vai/ Thức con mắt giả/ Đã dài u mê” (Ngày và đêm).

  Từ nỗi đau “riêng” cứ mỗi ngày trầm tích trong anh, giúp anh “Đốn ngộ” ra những tầng nghĩa sâu sắc của cuộc đời: “Bấy lâu ta du miên trong vòng xoáy cuộc đời và triền miên cùng nỗi bất hạnh hiếm hoi. Một sớm mai kia thức dậy, ta nhận ra ta, lạ lẫm, trống rỗng, không còn cảm thức về cuộc sống vốn dĩ là như thế bằng lăng kính của kẻ đã từng ẩn thân trong niềm tuyệt vọng. Có khi quên cũng là một cách để nhớ mãi. Và từ đó, Đời mặc khải ta bằng những điểm nhìn trong veo với đủ đầy giác độ. Sự "đốn ngộ" đưa ta trở lại cuộc đời này vốn không thể khác”.

   “Nỗi đau trầm tích” còn nhiều bài thơ hay đọng lại trong lòng người đọc. Kỹ thuật thơ của Duy Phạm không cầu kỳ, không đánh đố người đọc. Anh sử dụng hơi nhiều từ Hán Việt, điển tích trong thơ. Biện pháp tu từ ẩn dụ được anh chọn lọc để diễn đạt tứ thơ một cách hiệu quả nhất. Một số từ cổ được sử dụng. Tuy nhiên, với lối viết truyền thống, anh đã truyền được ngọn lửa của sự ấm áp nỗi niềm đau buồn trầm tích riêng anh đến không ít bạn đọc.

   Thương hải biến vi tang điền, biển có thể thành nương dâu và niềm vui có khi cũng tan biến, chỉ nỗi đau còn lại xanh cùng ngàn dâu. Trải nghiệm, ghi nhận, suy ngẫm đề rồi kết tinh lắng đọng thành thơ, đó là trường cảm xúc của nỗi buồn trong thơ Duy Phạm.

Buồn để sâu lắng hơn, bao dung hơn và cũng để sống tốt hơn. Phải chăng đôi khi con người cũng cần những khoảng lặng như thế?

   Chính lẽ đó, tôi trân trọng giới thiệu tập “Nỗi đau trầm tích” của anh đến với bạn đọc. Hy vọng ít nhiều nhận được sự đồng cảm và sẻ chia cùng thơ anh!

 photo DUYPHAM.jpg

Ảnh chụp tại sân vườn nhà anh sáng nay .

Back To Top