GHE ĐI ĐỂ LẠI DẦU DẦM - Hồ Trung Tú

Bài viết trong chỉ một đêm để kịp đọc trong buổi tưởng niệm trước khi tiến Khoa về với trời đất đầu tháng 12 năm 2009 .Người giỏi thì nhiều, người thông minh cũng lắm nhưng người Khoa sao hiếm quá. Mất rồi mới thấy càng hiếm !



Khoa yếu, nhiều người tiếc thương. Anh em bạn bè hối thúc nhau làm gấp cho Khoa một hai cuốn sách, kip cho Khoa nhìn thấy trước khi nhắm mắt. Người thì lo bản thảo thơ, người thì chạy gõ lại từng bài báo một. Mãi đến 2002 Khoa mới sắm chiếc máy tính đầu tiên, mà trước đó mới là thời viết báo làm thơ sung mãn nhất của Khoa, cũng có nghĩa là công tác tập hợp bản thảo là vô cùng khó. Nhiều người ngạc nhiên với Khoa, khi phát hiện ra bệnh đến khi mất là gần 6 tháng, thời gian đủ để Khoa chuẩn bị bản thảo thật chu đáo trước lúc đi xa, cơ quan (báo Thanh Niên) cũng sẵn lòng in chứ đâu phải chuyện khó; cớ sao Khoa dầu lần nào gặp bạn bè cũng nhắc về chuyện tập hợp lại trong một hai cuốn sách góp mặt với đời, nhưng rồi cứ để mọi chuyện trôi tụt đi ? Ai khi biết mình sắp chết mà không lo gom góp mọi thứ lại, nhất là khi đó là người cầm bút, làm báo hơn 30 năm?

Vậy mà Khoa đã không ? Ngẫm lại mới thấy, đâu phải chỉ chuyện tác phẩm để lại với đời, cả cuộc đời mình Khoa cũng đã để nó trôi bồng bênh như thế. Tham gia cách mạnh từ 1973, là bộ đội đặc công chứ đâu phải chuyện đùa, thật ra thì cũng vui theo bạn mà lên núi, rồi xếp vào đội đặc công nhưng ở lại cứ chăn bò, Dù gì thì cũng là người của cách mạng, vậy mà giải phóng xong anh không hưởng được bất cứ chút đặc ân nào của cách mạng, trong khi bạn bè cùng lứa lên núi hết chức vụ này đến thành công khác. Người không biết cách mạng là gì, hồi đó người ta hay gọi đó là những người "cách mạng 30", cũng phất cờ hô khẩu hiệu rồi nhận trưởng ban này, giám đốc kia, chủ tịch phường xã, thành người nhà nước lúc đói kém này ai không ham. Trong khi đó Khoa lặng lẽ về quê cuốc đất. Bạn bè gọi ra để làm "người nhà nước", nhưng rồi cũng bị bổ đi nhận việc ở miền núi, đến độ lương không đủ gởi về cho cha mẹ, thương đàn em gần chục đứa anh phải bỏ về quê cuốc đất lại. Cứ vậy, như đối xử với tác phẩm của mình, Khoa chẳng bao giờ thèm để ý đến những công trạng, thành tích mà mình đã có. Thiệt gì thì thiệt, Khoa vẫn không thèm kể công, lặng lẽ sống, lặng lẽ góp cho đời bằng cái cách riêng của mình. Cái cách mà bây giờ nhớ lại, nhiều người đã không cầm được nước mắt.

Trong khi tập hợp bản thảo thơ, nhiều người cứ kêu lên, sao thơ Khoa hay thế này mà nó không thèm in lấy một lần; thậm chí, mỗi lần gởi đâu là cứ rụt rè như thiếu tự tin lắm. Ngay cả các bài báo của anh cũng vậy, khi báo bạn cử phóng viên sang tận Mỹ lần theo dấu vết cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thuỳ Trân, sang tận Iraq nắm thông tin những người lao động Việt di tản khỏi vùng chiến sự, cử cả chục phóng viên theo dõi vụ án vườn điều, vụ Hai Chi ở Bình Thuận, vụ ngư dân không dám ra khơi... Khoa một mình, bằng cái cách của mình như cứu báo nhà những bàn thua trông thấy. Hay một điều là chẳng ai để ý điều đó, các sếp cũng chẳng thấy khen một câu nói gì đến chuyện thưởng. Và Khoa cũng lại như hồi sau 75, không biết đó là thành tích nữa, công việc mà làm, đam mê mà thực hiện cho đến cùng, vậy thôi. Như một mình huy động bạn bè người quen ở khắp nơi đóng góp gần 2 tỉ đồng cho các chương trình từ thiện, mổ tim cho hàng chục người, rồi cứu trợ bão lụt hết đợt này đến đợt khác... mà có cần ai biết đâu !

Mà xét ra cho cùng, cái Khoa để lại cho đời đâu có phải là những tác phẩm thành văn hay những cuốn sách mà ngay bản thân Khoa cũng tiếc là chưa làm kịp. Cái mà mọi người nhớ đến Khoa nhất, yêu mến Khoa nhất chính là cái niềm vui, cái tiếng cười mà anh đem đến bất cứ nơi nào anh có mặt. Và đây mới chính là cứ thứ nghệ thuật "không đụng hàng" mà Khoa đã có, đó là thứ mà ông trời chỉ ban cho một số ít người trong muôn một. Khi ở trong đám đông Khoa như cá thả vào nước, anh tung tẩy, hào sảng, bay bổng đưa người nghe hết trận cười thắt ruột này đến trận cười đến chảy nước mắt khác. Đó không phải là nghệ thuật của một M.C, càng không phải là nghệ thuật của người kể chuyện tiếu lâm mua vui, mà đó là nghệ thuật của sự cảm nhận cuộc sống, cảm nhận niềm vui, cảm nhận bạn bè; nghệ thuật của sự ứng khẩu thành thơ, thành nhạc cụ thể, thân thiết, gần gũi như lời nói, như cái vỗ vai. Nghệ thuật ứng khẩu, biến báo của Khoa hay đến mức nhà phê bình Đặng Tiến đã trầm trồ rất thán phục rằng "Đây mới đích thực là nghệ thuật hậu hiện đại". Hỏi ông là sao thì ông giải thích, nghệ thuật hậu hiện đại nó mang vẻ đẹp, sự sáng tạo đến cho cuộc sống ở mọi lúc mọi nơi mà không cần lưu danh,  không cần để lại tác phẩm cho đời. Nhiều nhà văn nhà thơ đang tranh cãi nhau thế nào là hậu hiện đại trong câu chữ, hình thức, nội dung, cú pháp của thơ ca; cứ như theo định nghĩa ấy của Đặng Tiến thì ngay bản thân sự tranh cãi ấy đã đi ngược lại vẻ đẹp của nghệ thuật hậu hiện đại rồi.

Trong khi đó, Khoa đã lại một lần nữa, một mình một hướng khai phá, đem nghệ thuật, đem vẻ đẹp của thơ ca, của sự sáng tạo đến với mọi người. Mọi người thưởng thức mà không hay rằng mình đã thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.

Nếu quả thật nghệ thuật ứng khẩu của Khoa hay cớ sao chẳng ai nhớ lấy một bài nào đó ? Ừ nhỉ, sao lạ vậy ? Nguyễn Xuân Sách và nhiều người khác nữa cũng vui miệng ứng khẩu thơ chân dung các nhà văn nhà thơ thành thơ mà sao người ta nhớ nằm lòng và in thành sách được, còn Khoa thì không ? Ngẫm thật kỹ, thì ra là thế này, Khoa chẳng đặt vè hoặc mô tả chân dung ai để mỗi khi nhậu người ta lại đem ra đọc mua vui, rồi thành phổ biến. Khoa cũng chẳng nói xấu ai, đả kích ai để có người tâm đắc, đồng điệu (cho dù đó là chuyện Khoa thừa chữ để làm). Khoa cũng không nói tục, không diễu phụ nữ, không kể chuyện tiếu lâm để mua tiếng cười. Khoa chọc mọi người ngay khi đó, khi gãi đầu bối rối hoặc nhịp chân mắc cỡ: "Thôi em đừng bối rối, trong ta chiều đã tàn..."

Vâng, bảo mọi người kể lại Khoa làm gì mà cười đến thắt ruột vậy chắc chắn chẳng ai kể lại được Khoa đã nói gì, hát gì. Ngay bản thân Khoa cũng nhiều lần tiếc, lúc đó sao ứng khẩu hát bài tự biên hay quá, giá mà có chiếc máy ghi âm. Khi đã sắm được chiếc máy ghi âm, Khoa cũng hào sảng hát, hào sảng nói mà không thèm nhớ đến chiếc máy ghi âm trong túi, để rồi sau đó lại tiếc.

Phải thôi Khoa ạ, lúc đó mà lấy máy ra ghi thì chẳng còn là nghệ thuật hậu hiện đại nữa đâu. Trong thơ Khoa, câu thơ hình như phản ảnh đúng con người Khoa nhất là câu nói về Thủ Thiệm "Ông bỡn cợt ông, ông bỡn cợt đời". Khoa hình như cũng vậy, anh vui đùa bỡn cợt, và đem niềm vui đến cho mọi người trong suốt cả cuộc đời mình. Bận tâm làm gì chuyện để lại tác phẩm cho đời Khoa nhỉ. Ông bà mình xưa đã có câu "ghe đi để lại dấu dầm". Dấu dầm thoáng hiện đó rồi mất, đời người 50 năm hay 70 năm xét ra cho cùng cũng chỉ là dấu dầm thoáng hiện ra đó rồi mất. Ai muốn níu kéo thì chụp ảnh dấu dầm mà để lại, Khoa và nhiều người nữa chẳng cần làm vậy, dấu dầm đã hiện lên dưới ánh trăng hay dưới trưa nắng gắt, tự nó đã thật đẹp rồi. Cả cuộc đời Khoa hình như muốn minh triết, chữ dạo này nhiều người dùng, điều ấy.

                                                                                                                                                  Hồ Trung Tú

Ảnh Khoa trong những ngày phát hiện ra mình bị bệnh nan y giai đoạn cuối cùng đoàn nhà sư Miến Điện thực hành thiền Minh Sát Tuệ, một trong những lời khuyên của các sư là tuệ tri lẽ vô thường, không chết hôm này thì mai cũng từ giả mọi thứ để ra đi.

Vài bài thơ của Khoa:

Như cây

Chỉ vài hôm nữa, miền Trung không bão cũng mưa dầm, gió giật. 
Cây cối rồi sẽ ngã nghiêng, tơi tả.
Tôi có lần nhìn một cái cây bị gió bão vặn ngược. 
Đâu ngờ, có khi mình cũng như cây ấy
Như trong thơ Hermann Hesse. 


... Cũng như ngươi 
Ta bị cuộc đời vùi dập 
Nhưng không gục ngã 
Hằng ngày vẫn vươn mình 
Ngẩng cao trong ánh mặt trời... 
Tấm lòng ta mềm mại, tinh khôi 
Đã chết vì cuộc đời thô bạo 
Nhưng tính cách ta vẫn không đổi 
Ta vẫn vui lòng, ta vẫn tha thứ 
Vẫn cho đời những chiếc lá xanh tươi 
Vẫn cho nứt hàng trăm chồi non mới. 
Dù bị đau đớn quằn quại 
Ta vẫn yêu thương trần gian điên dại này. 

Hermann Hesse 

 Mẹ tôi

Mẹ như mây trắng cuối trời
Con chạy lúp xúp, mồ côi cánh đồng

1.

Trở trời mẹ xuôi thành phố
Áp ngực rọi vết thương xưa
Đã bao năm bờ vai mẹ
Mang mảnh đạn dáng răng cưa

 Lặng nhìn cái mảnh đạn trắng
Cựa mình trong tấm phim đen
“Trước sau cũng tan vào đất...”
Mẹ cười như gặp người quen

 Lớn khôn giữa đời tôi ngỡ
Đã lụi tàn lửa chiến tranh
Chẳng hay trong da thịt mẹ
Vết thương xưa vẫn đồng hành

2.  
Ngày Tết
ngang qua hàng trầu cau
bỗng nhớ
Mẹ ta xưa ăn trầu môi đỏ
Cái cối xay
Cái ông bình vôi
Còn hằn dấu vân ngón cái

Một trăm năm
Một nghìn năm
Con không còn mẹ
Trên cánh đồng mồ côi
Chỉ cánh cò lẻ loi
Phơ phơ mây trắng góc trời...


Một chiều hôm
Con lại chạy về quê
Tay cầm miếng trầu
lặng lẽ
Biết tìm đâu
đôi bàn tay mẹ
Đặt lên
chữ hiếu

muộn màng!

 3.

Bạn bè ngày cũ xa dần
Bạn mới chưa thấu hiểu
Con nhắn tin mời 
Chỉ gặp nỗi trống không

 “Trách chi! Trách chi!...”
Nhớ lời Mẹ dặn
Con đâu dám nghĩ gì
Đương đại 
cuốn người đi như thác
Đề mốt những sẻ chia

Đám giỗ không trùng chủ nhật
Cô đơn ngày
               Cô đơn con
Bộc lộ mình trên mạng
Không gian ảo 
               Thế giới ảo
Hy vọng Mẹ đọc được những dòng này

 
Nhớ mãi 
bản tin ngày nào 
con viết
Mẹ không còn để đọc 
Trong khung cáo phó 
Mẹ tôi! 

Mồng Hai Tết Mậu Tý '08

Không đề mùa Đông

I
Mùa Đông dài bên ô cửa
Con đường rúc rích bàn chân 
Xát hai tay 
tìm chút ấm tự thân 
Mãi không sinh tạo lửa

Giá lạnh phương Bắc về
Mơn mơn man man
Những hè phố rỗng
Những bê tông buồn
Tái xanh kỷ niệm

Tự dưng
Muốn ù mạch xứ quê
Ríu ran tiếng chim chiền chiện
Tiếng cười bến sông
Tiếng lá tách mầm
Tiếng tuổi thơ lặng lẽ... 

Bước ra bậc cửa
Vấp nỗi nhớ
Vấp nỗi buồn
Vấp bản tin màu đỏ 
Tựu trung, nhiều mớ...

Bão không hẹn giờ
Mưa từ hốc tối
Em rất chiêm bao

Ta biết
Mùa Đông sẽ rất dài
Và đời sống không của riêng ai
Mà của chú chim sâu
Vô tư lự...

Đa mang...

đừng khóc nữa em anh về xa
gối đầu trên cỏ nghĩ quê nhà
làng anh mọc dưới ngôi sao ấy
em có bao giờ ngóng sao sa?

đừng khóc nữa em anh nằm đau
lá úa vàng chân gió bạc đầu
trái tim chầm chậm buồn khản tiếng
chim khách chết rồi em ở đâu?

đừng khóc nữa em đã tà huy
lòng trời vòi vói gió biệt ly
thổi ngược hồn anh bầm ký ức
huyễn hoặc trăng chiều em vu quy...

đừng khóc nữa em sóng thời gian
hóa thạch nghìn năm máu dã tràng
ngọc của đời nhau vùi xanh cát
có bao giờ bừng hoa vông vang?

đừng khóc nữa em những ngày sau
mé biển rừng đêm những toa tàu
đa mang yêu dấu đa mang nhớ
có trọn đời ta đa mang nhau?

đừng khóc nữa em những chiều xa
tay ghì tím cỏ níu sao sa
vết xước của trời
hồn anh đấy

em sẽ bao giờ em bước qua?...

Đà Nẵng- Sài Gòn 1991.

 

Mời bạn ghé thăm và khám phá văn hóa châu Phi tại  : http://matnachauphi.com

Back To Top