Diệp Chí Huy – âm nhạc tử tế đã được khai sáng

Theo bản tin ba miền http://bantinbamien.com/bai-viet/diep-chi-huy-am-nhac-tu-te-da-duoc-khai-sang-246.aspx

Miền Trung – Sau những chuỗi ngày oằn mình chống bão, tôi lại bắt gặp nhạc sĩ của “Nghêu ngao” trình diễn từ năm 2008, nay Tôi về đếm lại ca dao tại nhà hát Trưng Vương – Đà NẵngĐó là Diệp Chí Huy, người nhạc sĩ xuất thân từ gia đình nghệ sĩ tại Bình Định, tốt nghiệp đại học thủy sản Nha Trang, sống tại Đà Nẵng, nhưng lại lang thang kiếm sống phần nhiều ở tận những nơi xa và lạ như Togo, Benin, Ghana, Nigieria, Bukinafaso…

                    Diệp Chí Huy đệm và hát đoạn điệp khúc " Chỉ xin đã có lần " - người cầm micro ở giữa là nhà thơ Đỗ Trung Quân , áo dài màu vàng ngoài cùng MC - nhà báo - nhà thơ Võ Kim Ngân     

Anh đi nhiều, lăn lộn mưu sinh nhiều, và cũng cho đi thật nhiều, đó là những lần trắng tay, phải chăng vì vốn nghệ sĩ quá tử tế trong làm ăn. Thời gian này, tưởng những niềm say mê âm nhạc của người đàn ông họ Diệp này lịm tắt, nhưng không, đó lại là thời điểm anh tìm đến học viện âm nhạc ở Krokobite (Cộng hoà Ghana), từ đây các hình thái âm nhạc mà người da đen ưa thích như Djembe hay điệu nhảy hoang dã Mapouka, rồi thể loại âm nhạc yêu thích Bob Marley là Reagae được anh vận dụng vào các ca khúc Nghêu ngao (2005) được sáng tác tại Togo hay Như cây đã khô (2010) được sáng tác tại Việt Nam, trong số những tác phẩm này đã được các đài VTV3, HTV phát sóng, DRT bình chọn bài hát yêu thích…

Diệp Chí Huy đệm piano cho ca sỹ Văn Ngân Hoàng hát bài Trịnh một sáng tác của anh viết khi Trịnh Công Sơn vưa qua đời .

Ở cái tuổi năm mươi, thường thấy người ta còn phải tiếp đếm những thiệt hơn với đời, nhưng đêm qua lại thấy một Diệp Chí Huy ngồi giữa hàng ngàn khán giả yêu thích âm nhạc để cùng đếm lại những bản tình ca mà anh đã sáng tác từ những thập niên 90 về sau, Chỉ còn lại cơn mưa (1997), Nỗi nhớ (1999), Trả lại tình yêu, Trịnh, Hãy về với sông Hàn (2001), Lumangtang - Tình yêu của Mẹ, Nghêu ngao (2005), Xin cho tôi bình yên, Khúc Vu Gia, Quê quán ơi (2008), Em đứng hát trước mùa xuân, Hoa chuổi ngọc, Như cây đã khô, sông Hàn với thời gian, Miền phôi pha (2010), và hai tác phẩm mới sáng tác Tôi về đếm lại ca dao, Chỉ xin đã có lần…, trước đêm trình diễn những tác phẩm này, Diệp Chí Huy đã đăng ký bản quyền và được Cục Bản quyền Việt Nam cấp giấy chứng nhận.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nhận xét ngắn gọn về ca từ của Diệp đó là thứ âm nhạc tử tế còn nằm trong bóng tối, rất cần được chia sẻ. Đêm qua, Diệp Chí Huy đã quyết thực hiện một thỏa nguyện khai sáng, mà hiếm thấy một nhạc sĩ nào tại Đà Nẵng làm được từ trước đến nay. Tác phẩm của tác giả với chủ đề Tôi về đếm lại ca dao đã làm mãn nhãn hàng ngàn khán giả từ hiệu ứng âm thanh, sân khấu, ca khúc được trình bày bởi những ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp đến từ các ban nhạc của nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, BTN, Ri Flamenco.

Và hơn hết là phần trình diễn tác phẩm do chính Diệp Chí Huy biểu diễn, giọng ca ở cái tuổi năm mươi nhưng vẫn còn trong và ngọt, như muốn kéo lại mọi sự khác biệt giữa thời gian và khoảng cách…

Thăng hoa và phiêu, là đích của tất cả những người làm nghệ thuật, nhưng tôi vẫn thấy âu lo cho Diệp Chí Huy, bởi lẽ riêng anh lại phải oằn mình như người miền Trung chống bão sau cái đêm khai sáng với quy mô hoành tráng này. Thôi thì người đàn ông tử tế họ Diệp đã làm được một điều tri ân đúng mực cho không riêng cái thành phố gần biển cuối sông mà vượt lên trên hết là đạt được sự sạch sẽ và sang trọng như câu nói của đạo diễn Đinh Anh Dũng hay lời nhận xét chân tình của họa sĩ, nhạc sĩ Tôn Thất Bằng đó là Diệp Chí Huy đã làm sang cho giới nghệ sĩ lương thiện./.

Đặng Nguyên Sa

Mời bạn ghé thăm và khám phá văn hóa châu Phi tại  : http://matnachauphi.com

 

Back To Top